Ông Nguyễn Viết Việt, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam |
Hiện nay, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém đòi hỏi phải có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chỉ số ESG (Environmental, Social, and Governance) đã trở thành công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm của một doanh nghiệp. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ thường gặp nhiều thách thức khi tham gia vào cuộc đua ESG do nhiều yếu tố.
Theo ông Nguyễn Viết Việt, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, thực trạng hiện nay tại Việt Nam cho thấy rằng việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết là doanh nghiệp lớn như FDI, doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu…Trong khi chỉ có 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2 đến 4 năm tới.
Dẫn số liệu từ nhiều báo cáo uy tín gần đây, ông Việt cho rằng, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững nói chung và cụ thể là bộ tiêu chuẩn ESG, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức; dẫn đến kết quả thực hiện ESG vẫn chưa cao.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. SME chiếm trên 98% tổng số các doanh nghiệp và đóng góp tới 40% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo 50% việc làm cho toàn xã hội. Nếu khối SME có thể tham gia và chủ động thực hành ESG, cam kết Net Zero của Việt Nam sẽ sớm đạt được.
Chỉ số ESG gồm Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó TGĐ Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng để thực hành ESG, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, đặc biệt là trong việc đo lường và báo cáo lượng khí nhà kính thải ra. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ tình hình hiện tại, năng lực doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch giảm phát thải một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Võ Trường An cũng cho rằng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, đồng thời xử lý chất thải hiệu quả và giảm thiểu lượng chất thải.
Tuy vậy, thực tế vì hạn chế về quy mô và tài chính, nhiều SME vẫn chưa thể triển khai ESG. Không giống như các tập đoàn, các công ty quy mô lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải vật lộn với nguồn lực hạn chế, cả về tài chính và con người. Việc phân bổ quỹ cho một nhóm hoặc một nhân sự chuyên trách ESG có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Tương tự vậy, việc đầu tư vào các công nghệ đo lường và đánh giá các tiêu chí ESG là một khoản đầu tư không nhỏ với các SME, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, việc đánh giá và thực thi các chỉ số ESG đòi hỏi kiến thức và chuyên môn chuyên biệt về số liệu bền vững, thu thập dữ liệu và khuôn khổ báo cáo. Các SME có thể không có nhân sự chuyên trách về phát triển bền vững hoặc không có chuyên gia tư vấn có thể cung cấp hướng dẫn, dẫn đến việc thiếu chuyên môn và không tìm ra được cách thức thực hành ESG.
Bà Phạm Minh Châu – đại diện Ngân hàng BIDV |
Việc thiếu thông tin về cách thức thực hành ESG dẫn đến thực tế rằng các doanh nghiệp dù biết về ESG và lợi ích của nó nhưng vẫn tiếp tục trì hoãn triển khai các sáng kiến ESG. Các SME cần được hướng dẫn và cung cấp nguồn lực để giúp họ thực hiện các hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh, các ngân hàng và nhiều tổ chức quốc tế có cung cấp hướng dẫn và có nhiều ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong số đó, BIDV là ngân hàng dành nhiều dư địa để các doanh nghiệp xanh có thể tiếp cận nguồn vốn xanh.
Bà Phạm Minh Châu – đại diện Ngân hàng BIDV chia sẻ: Dư nợ tín dụng theo 12 ngành xanh của BIDV luôn đứng đầu thị trường và ngày càng tăng quy mô. Tại thời điểm 30/6/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt 75.459 tỷ đồng chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV, tăng 1.282 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Số lượng khách hàng nhận được tài trợ tín dụng xanh là 1.739 khách hàng với 2.117 dự án/phương án xanh.
Dù còn nhiều trở ngại khi triển khai thực hành ESG, nhưng những cơ hội việc chuyển dịch xanh này mang lại sẽ là tấm vé mới giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bắt kịp xu thế phát triển bền vững trên thế giới, giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam và vị thế thị trường Việt Nam trên trường quốc tế.