Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; được các cấp chính quyền, Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, thế giới hiện vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về y tế, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi thường xuyên xuất hiện, nguồn lực đầu tư cho y tế trước các mối đe dọa khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu…
Những thách thức này chỉ có thể được giải quyết thông qua cam kết chính trị vững chắc và hợp tác toàn diện về y tế của các quốc gia trên toàn cầu, cùng với đó là sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và của mỗi người dân ở mỗi quốc gia.
"Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của WHO và các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về xây dựng hành lang pháp lý, triển khai các giải pháp chuyên môn kỹ thuật để từng bước khắc phục khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực y tế các cấp, các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương nhằm đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe Nhân dân" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói trong Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2023.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chương trình hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay được Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị tổ chức với mong muốn truyền tải thông điệp về thực hành nâng cao sức khỏe để phòng, chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Đây cũng là cơ hội quý báu để nhìn lại thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong hơn 7 thập niên qua, các thách thức đang diễn ra để thúc đẩy hành động để giải quyết trong thời gian tới...
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Angela Pratt đánh giá, trong những năm qua, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn cũng như đạt nhiều bước tiến vượt bậc trong cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo bà Angela Pratt, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Vào đầu những năm 1960, tuổi thọ trung bình chỉ là 60 tuổi. Trong khi đó, một em bé sinh ra ở Việt Nam ngày nay có thể sống đến 75 tuổi nhờ những tiến bộ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vaccine, những cải tiến về dịch vụ y tế và những thành công của Việt Nam trong việc giảm nghèo. Bảo hiểm y tế cũng được mở rộng đáng kể, thúc đẩy quá trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân của Việt Nam.
Trong ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của sức khỏe tốt – và khi sức khỏe bị ảnh hưởng, mọi thứ đều bị ảnh hưởng – bao gồm sức khỏe tâm thần, phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế.
"Việt Nam cũng giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, hiện phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế; dân số già; bệnh truyền nhiễm; biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người; các bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh lý do hút thuốc, uống nhiều rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động thể chất... "- bà Angela Pratt nêu rõ.
Do đó, để góp phần giải quyết các thách thức, cần quan tâm tầm quan trọng của hợp tác đa phương, phát huy sức trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, góp phần hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mọi người.