Dị vật đường thở được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai gắp ra. Ảnh: BVCC. |
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM tiếp nhận cấp cứu một bé trai tên M. chuyển đến từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM, bác sĩ xác định trẻ đã ngưng tim ngưng thở ngoại viện. Các bác sĩ nỗ lực tiến hành hồi sức hơn 30 phút nhưng không cứu được bé.
Khai thác bệnh sử ghi nhận sáng 28/12, M. được cha mẹ đưa đến nhà cô giáo học. Trên đường, bé có ăn bánh. Khi đến nhà cô khoảng 3 phút, cô giáo phát hiện bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ, một tay còn cầm bánh. Cô giáo lập tức đưa M. đi cấp cứu tại một phòng khám gần nhà. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết em M. cấp cứu vì hóc dị vật, tím, ngưng tim 30 phút. Thời điểm nhập viện, trẻ mê, môi tím, hạ thân nhiệt, chi mát, mạch và tim bằng 0, đồng tử giãn 5mm, phản xạ ánh sáng âm. Ê-kíp tiến hành đặt nội khí quản và gắp ra một khối dị vật đường thở, có hình thù giống như miếng thịt hoặc bánh vón cục.
Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn qua điện thoại với Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM, làm thủ tục cho M. chuyển viện theo nguyện vọng của gia đình. Mặc dù được các bệnh viện nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ tử vong vào chiều cùng ngày.
Ngày 29/12, trường tiểu học nơi bé M. đang theo học đã có báo cáo nhanh đến Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp.Biên Hòa, Đồng Nai về vụ việc. Theo báo cáo này, em M. ăn bánh bông lan khi được mẹ chở đến gửi trẻ tại nhà cô. Tại nhà giáo viên, bé không ăn gì.
Khoảng 3 phút sau, thấy bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ, cô giáo đã sơ cứu và đưa trẻ đi cấp cứu.
Bác sĩ tư vấn cách xử trí khi trẻ hóc dị vật Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Đăng Việt, Trưởng khoa Khám và Thăm dò hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tư vấn khi trẻ bị hóc dị vật: - Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở: đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. - Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu: Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu hóc dị vật sau: Trẻ dưới 2 tuổi: - Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. - Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. - Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái. - Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được. Đối với trẻ lớn: - Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được. - Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở. Tuyệt tối không cố móc lấy dị vật ra vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, dẫn đến tắc đường thở, nguy cơ tử vong cao hơn. |