Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. |
Ngày 15/3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay có chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng (NTD) trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi NTD.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng
Phát biểu tại Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước.
Nhận thức được giá trị cốt lõi này, trong suốt giai đoạn từ năm 1999 tới nay, Quốc hội và Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, đặc biệt là đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Ngay sau đó, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã không ngừng được hoàn thiện, bổ sung để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào thực tiễn.
“Trên cơ sở nền tảng pháp luật vững chắc, trong gần 12 năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nâng cao rõ rệt; hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hình thành và không ngừng củng cố.
Đối với phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới, những đóng góp và hoạt động của Việt Nam đã được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và có hiệu quả.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024. Trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm… Các hoạt động hưởng ứng được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài hết năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Tại Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai như Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; tuyên truyền phổ biến; phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
“Việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.
Đề xuất 3 nội dung cần thực hiện
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi lễ. |
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức đã thường xuyên, liên tục hàng năm tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, góp phần đưa dịp Ngày 15 tháng 3 là sự kiện quen thuộc đối với người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, ông Tạ Đình Thi đề nghị:
Một là, cần xác định rõ: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị. Bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ thì các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định. Đặc biệt, trong quá trình thực thi Luật, tất cả các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Hai là, cần phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phân công.
Cần huy động tổng lực tham gia thực hiện công tác truyền thông, thông tin, bảo đảm tuyên truyền rộng, sớm và đúng các nội dung của Luật. Cần lưu ý nghiên cứu việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về Luật.
Để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết không phát sinh chồng chéo, vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, gây gánh nặng bất hợp lý cho doanh nghiệp.
Ba là, nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường.
Xu hướng phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của người tiêu dùng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là nhóm chủ thể có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thực hiện quyền lợi của mình. Do vậy, các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.
Tại Lễ Phát động, ông Tạ Đình Thi bày tỏ tin tưởng rằng, việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để nâng cao vị thế của người tiêu dùng và là cơ hội để các cơ quan, tổ chức đưa sự kiện này thành sự kiện thường niên, gắn kết cộng đồng trong và ngoài nước, truyền cảm hứng và niềm tin cho người tiêu dùng, cho cộng đồng và toàn xã hội.
“Với tinh thần "Tất cả vì người tiêu dùng", chúng ta hãy cùng nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, sáng tạo, phát triển và thành công!” - Ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.