Về Hưng Yên thưởng thức món bánh cuốn Mễ Sở Nhãn lồng Hưng Yên lần đầu tiên được mở bán trên sàn thương mại điện tử Quả nhãn và tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản |
Bánh tẻ Văn Giang còn được gọi là bánh lá, bánh răng bừa do bánh có hình dạng giống với chiếc răng bừa của bà con nông dân. Bánh là đặc sản của người dân Văn Giang, có nơi gọi là bánh tẻ Phụng Công. Bột bánh được hòa trộn từ nhiều nguyên liệu bình dị, đơn giản nhất như trong bữa cơm hàng ngày của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại gây thương nhớ cho thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức.
![]() |
Bánh tẻ Văn Giang ăn một lần là nhớ |
Cách làm bánh tẻ
Nguyên liệu để làm ra 1 chiếc bánh tẻ vô cùng đơn giản gồm gạo tẻ thơm, dẻo và nhân gồm thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, hạt tiêu, bánh được người dân nơi đây gói bằng lá dong.
Nguyên liệu nhìn có vẻ đơn giản, tuy nhiên để có được những chiếc bánh thơm ngon thì không phải chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, sự khéo léo trong từng công đoạn mà quan trọng nhất là công đoạn làm bột.
Sau khi ngâm gạo khoảng 3-4 tiếng thì đem xay với nước vôi trong, cho lên bếp đun và quấy đều tay với lửa nhỏ cho bột chín khoảng 50%, quá trình nấu bột cho thêm một chút gia vị đợi đến khi bột hơi quánh, quấy thấy nặng tay thì được.
![]() |
Dùng máy đánh bột cho đều lên để bột không bị khô |
Khi bột được nấu xong dùng máy đánh nhuyễn cho bột không bị vón cục, đây là công đoạn quan trọng nhất quyết định chiếc bánh có ngon hay không, bột non hoặc già quá sẽ khiến bánh mất đi vị ngon.
Sau khi bột được đánh nhuyễn đổ ra mâm để khoảng 30-40 phút cho bột ráo và nguội sau đó dùng tay hoặc thìa xúc từng phần bột lên lá dong và cho nhân vào bên trong.
![]() |
Công đoạn cho nhân vao bánh |
Nhân bánh gồm hành khô phi, thịt lợn ba chỉ, mộc nhĩ băm nhỏ xào chín, tất cả cho vào trộn đều cùng một số gia vị như hạt nêm, hạt tiêu.
Khi bánh đã cho nhân xong thì lót thêm một chiếc lá dong và gói lại để lúc luộc bánh lá không bị rách, để có được một chiếc bánh thơm ngon, những người thợ phải vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận trong quá trình gói. Nhân bánh nằm trọn trong vỏ bánh, nên chỉ cần người làm gói lỏng hay chặt tay quá sẽ khiến nhân bánh bị bung ra ngoài khiến bánh vừa mất thẩm mĩ, vừa giảm đi giá trị vốn có của nó.
![]() |
Bánh căng mọng nhìn rất hấp dẫn |
Nếu như Thanh Hóa bánh thường được người dân sử dụng lá chuối để gói thì ở Văn Giang người dân lại lựa chọn lá dong để gói, lá dong sẽ giúp bánh có màu sắc đẹp hơn.
Khi gói xong bánh có thể đem luộc hoặc hấp cách thủy giống như xôi, phần bột bánh chín và nở ra làm cho chiếc bánh căng mọng, bóng bảy trông rất hấp dẫn.
Độc đáo trong cách thưởng thức
Khi bánh chín bóc bỏ phần lá, bánh có màu xanh của lá dong, mịn căng, thơm lừng mùi gạo xen mùi lá bánh đã chín có thể ăn nóng luôn cùng nước mắm ớt, tương ớt hoặc tương bần tùy vào sở thích của mỗi người. Còn khi ăn nguội bánh ăn dai, giòn, thơm, béo mà không ngấy vì bột bánh làm từ gạo tẻ.
![]() |
Bánh tẻ Văn Giang - món quà quê thơm ngon khó quên |
Bánh tẻ Văn Giang cũng được dùng trong các dịp cỗ bàn, lễ cưới, hội hè, Tết cổ truyền… như một món khai vị. Không những vậy bánh tẻ Văn Giang còn được sử dụng nhiều làm quà biếu, như một đặc sản quê hương. Người xa xứ lâu năm, cắn một miếng bánh tẻ Văn Giang, ký ức tuổi thơ như bừng tỉnh lại, nhớ về quê hương cội nguồn nhiều hơn.