Bánh pẻng phạ, tên lạ lùng nhưng cực kỳ thơm ngon |
Mỗi vùng miền trên đất nước lại có những món bánh ngon, mới lạ mang đậm chất của vùng miền đó. Nếu bạn đã từng nếm thử nhiều món bánh của nhiều tỉnh thành khác nhau thì chắc chắn bánh pẻng phạ cũng là một món ăn mà bạn nên thử.
Nhìn bên ngoài, bánh pẻng phạ hầu như không có đặc điểm gì nổi bật. Nó chỉ là những viên bánh tròn, to hơn quả nhãn lồng một chút. Lớp bột bên ngoài có màu trắng, phảng phất màu nâu nhạt ẩn trong nhân bánh. Tuy mộc mạc và đơn sơ như vậy, món ăn này lại được người Tày lựa chọn là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc mình để dâng lên các vị thần và cảm ơn trời đất. Một chiếc bánh nhỏ xíu này hội tụ nhiều nguyên liệu và hương vị đặc trưng của người dân nơi đây như vị cay của rượu, vị ngọt của đường, vị chát của nước chè, vị béo bùi của bột nếp.
Bánh pẻng phạ được bình chọn đứng đầu danh sách 100 món đặc sản của Việt Nam |
Món bánh này có thể được ăn hàng ngày nhưng nó là một món đặc sản không thể thiếu trong những lễ hội lớn của người Tày như lễ hội mừng năm mới, lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng). Bánh pẻng phạ dùng để dâng lên trời đất nhằm cầu chúc những điều may mắn sẽ đến với người dân nơi đây. Vì vậy, loại bánh này còn có một tên gọi khác là bánh trời.
Cách làm bánh pẻng phạ của người dân tộc Tày
Bánh được tráng qua một lớp bột áo làm từ gạo rang |
Trong tất cả các vùng miền của Tây Bắc, bánh trời Ba Bể được du khách biết đến nhiều nhất và nổi tiếng nhất. Bởi đây là vùng miền có rất nhiều người Tày tập trung và họ là những người nắm giữ công thức bí truyền tạo ra những chiếc bánh trời chuẩn nhất.
Nguyên liệu chính của món bánh này chính là gạo nếp. Gạo nếp phải được chọn lọc từ những hạt gạo thơm ngon nhất, không chứa những tạp chất như sạn, thóc thì mới có thể tạo ra những món bánh ngon nhất. Gạo nếp sẽ được đem đi xay thật mịn để cho ra bột nếp. Thay vì trộn bột nếp với nước lọc thông thường như những loại bánh khác, người Tày thường sử dụng nước chè mạn để trộn. Trong khi trộn bột, người ta có thể cho thêm một chút rượu trắng nguyên chất để làm món bánh dậy mùi.
Bột gạo nếp có tính rất dính và dễ bị chảy xệ. Vì vậy, người Tày sẽ làm bánh tới đâu thì đổ bánh vào chảo tới đó. Đến khi bánh chuyển sang một màu vàng ruộm thì sẽ được vớt ra ngay.
Ngào bánh trong chảo đường ngọt lịm |
Sau khi chiên bánh xong, người ta sẽ bắt tay vào công đoạn làm đường. Đường được đổ vào nồi, sau đó thêm một chút nước để đường dễ tan chảy. Đường khi được đun sôi sẽ có độ kết dính rất cao. Sau đó, người ta sẽ thả những chiếc bánh đã được chiên dầu vào cho ngập đường. Cuối cùng, người ta sẽ bớt bánh ra và lăn vào một lớp bột bánh.
Các công đoạn làm bánh khá đơn giản. Chỉ với một vài thao tác, chúng ta đã có thể tạo ra món bánh thơm ngon và độc đáo.
Ý nghĩa của bánh pẻng phạ
Loại bánh này độc đáo từ nguyên liệu đến cách làm ra nó |
Trong các mâm lễ cúng của người Tày, không thể thiếu món bánh pẻng phạ truyền thống. Vào những dịp quan trọng như Tết Nguyên Đán, người Tày sẽ dùng bánh để dâng lên ông bà tổ tiên với quan niệm sau khi ăn bánh, ông bà tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho con cháu được làm ăn phát đạt vào năm mới.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch, bánh pẻng phạ không chỉ là món ăn truyền thống trong đời sống người Tày mà trở thành ẩm thực đặc sản, phục vụ du khách khi đến Bắc Kạn. Bánh có thể để tới 1 tháng nếu bảo quản tốt và hiện tại đang có thị trường trên toàn quốc. Nhất là việc bán bánh trên nền tảng số như Facebook, Zalo,... là những thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm.
Ai đã từng một lần thưởng thức bánh pẻng phạ, chắc hẳn không thể quên hương vị đặc trưng của nó. Lại được thưởng thức món bánh dân dã ấy giữa cảnh sắc tự nhiên của đất trời, giữa sự dung dị hồn hậu của đồng bào dân tộc Tày, mới hay, vì sao người ta xếp hạng đứng đầu trong thế giới bao la của nghệ thuật ẩm thực Việt.