Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh được triển khai từ năm 2018 đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về các sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn Bắc Ninh, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển du lịch bài bản hơn.
Biểu diễn hát quan họ trên thuyền rồng tại Bắc Ninh. |
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”. Ðịa điểm triển khai gồm: Làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh Ðông Hồ (thị xã Thuận Thành), làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh). Tỉnh thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại Phù Lãng, Ðông Hồ, Viêm Xá và vùng phụ cận; thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian), nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm. Liên kết với các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch đến các điểm triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch, làm phong phú hơn sự trải nghiệm cho du khách để giữ chân du khách ở lại thời gian dài hơn tại điểm du lịch cộng đồng.
Trong đó, điểm Viêm Xá tại khu vực ven đê sông Cầu sẽ quy hoạch hình thành khu vực vui chơi, giải trí, check in cho du khách; thành lập các tổ/nhóm đưa du khách khám phá sông Cầu, nghe hát Quan họ,… bằng thuyền; phục dựng các phiên chợ vào ngày 4 và ngày 6 tháng Giêng ở làng Diềm; khu vực cho du khách trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của người quan họ; xây dựng bảo tàng mini trưng bày các sản phẩm văn hóa đã được số hóa (đình, đền, chùa, miếu và truyền thuyết về Đền Cùng - Giếng Ngọc, Thủy tổ Quan họ)…
Tại làng gốm Phù Lãng, quy hoạch địa điểm để trưng bày, giới thiệu lịch sử, trải nghiệm làm gốm Phù Lãng và gốm Việt Nam nói chung. Số hóa tranh ảnh, hiện vật về nghề gốm Phù Lãng qua các thời kỳ; hình thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời, khu vực tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí khác, trồng lúa nghệ thuật (tanbo Art) và xây dựng 1-2 đài cao để du khách có thể ngắm từ trên cao; Cải tạo giao thông nội đồng cho du khách tham gia trải nghiệm, tham quan đồng lúa, đặc biệt vào mùa lúa chín; đường trong làng trồng hoa, cây cảnh quan...
Tranh Dân Gian Đông Hồ . |
Làng tranh Đông Hồ, tại Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tranh Đông Hồ sẽ bố trí các khu vực trải nghiệm khác nhau cho du khách liên quan đến nghề làm tranh truyền thống (tạo màu, in tranh, phơi tranh, chợ,…); tái hiện các hình ảnh (phơi tranh, chợ tranh Tết,…) đã được nhà thơ Hoàng Cầm đề cập đến trong bài thơ “Bên thơ kia sông Đuống”; Chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh tạo không gian, cảnh quan cho du khách tham quan, check in; hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống.
Việc triển khai Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa, mà còn bảo tồn, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Ðề án nói chung, phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng ở Bắc Ninh nói riêng, thì rất cần sự chủ động, đồng thuận của người dân trong việc đưa văn hóa bản địa vào các sản phẩm OCOP, tạo giá trị kinh tế bền vững trong không gian du lịch đặc trưng của địa phương.
Trong năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 102 sản phẩm của 40 chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… Các địa phương có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm nay, gồm: Thị xã Quế Võ (23 sản phẩm của 8 chủ thể); thành phố Từ Sơn (18 sản phẩm của 5 chủ thể); thị xã Thuận Thành (13 sản phẩm của 6 chủ thể); huyện Tiên Du (12 sản phẩm của 5 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (12 sản phẩm của 4 chủ thể)… Tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2025 được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm trở lên đạt chất lượng 5 sao; xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP. |