Chứng khoán Bảo Việt nhận định mặc dù ngành ô tô đã phục hồi từ tháng 5, sau khi chỉ thị áp dụng giãn cách xã hội kết thúc và đã ghi nhận mức tăng trưởng trong tháng 7, nhưng sang đầu tháng 8, đà tăng đã không được duy trì. Nguyên nhân được chỉ ra là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai tại Đà Nẵng và tâm lí khách hàng e ngại mua sắm trong tháng 7 Âm lịch.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của Honda trong tháng 8 chỉ đạt vỏn vẹn 1.634 chiếc. Tổng 8 tháng đầu năm, Honda bán được 14.850 xe, điều này đã khiến thị phần của hãng xe này giảm xuống òn 10,2% so với 11% cùng kì năm ngoái.
Tương tự, lượng xe bán ra của Ford trong tháng 8 đã giảm 9,9% so với tháng trước đó, đạt 2.005 chiếc. Từ đầu năm đến nay, Ford Việt Nam bán được tổng cộng 12.659 chiếc, thị phần thu hẹp còn 8,7% so với 10,8% cùng kì.
Toyota cũng chứng kiến lượng xe bán ra trong tháng đạt 4.249 chiếc, giảm 19,7% so với tháng 7/2020 và giảm 15,9% so với cùng kì năm 2019. 8 tháng đầu năm, hãng xe Nhật Bản đã bán được tổng 34.743 chiếc xe tại thị trường Việt Nam, giảm 24,2%.
Mặc dù kì vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành ô tô Việt Nam sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm, khi đợt tái bùng phát dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng Chứng khoán Bảo Việt vẫn dự báo, sản lượng tiêu thụ cả năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Theo đó, số xe bán ra trong năm sẽ chỉ đạt khoảng 310.696 chiếc, giảm 18,8% so với tổng số xe bán ra năm 2019.
nhiên, trong dài hạn, Chứng khoản Bảo Việt vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam, nhờ vào tỉ lệ sở hữu ô tô hiện đang ở mức thấp, thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư.
Kể từ cuối tháng 6, Chính phủ đã quyết định cắt giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tái sản xuất. Đồng thời, kích thích nhu cầu mua các sản phẩm xe lắp ráp hoàn toàn trong nước.
Sau động thái này, theo thống kê của VAMA, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7 và tháng 8 tăng mạnh, chiếm 64,8% tổng sản lượng so với mức trung bình 62% trước khi Chính phủ kích cầu.
BVSC cho biết, nhờ vào việc gia tăng tỉ trọng xe sản xuất trong nước có thể giúp doanh nghiệp mở rộng biên lợi nhuận gộp, các nhà sản xuất và đại lí ô tô có thể giảm giá nhằm giảm lượng hàng tồn kho trong bối cảnh thị trường chuyển biến chậm chạm, khiến doanh thu có thể được cải thiện.
Với diễn biến này, theo BVSC, các doanh nghiệp có sản phẩm lắp ráp, sản xuất trong nước như Hyundai, Thaco, Toyota và VinFast sẽ trực tiếp được hưởng lợi nhờ danh mục xe đa dạng.
Gia Khánh