Hiện trường vụ ngạt khí do đốt than sưởi ấm khi ngủ. |
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng than.
Theo đó, khoảng 8h40 ngày 4/12, các bệnh nhân Nguyễn Thị Anh Tuyền (26 tuổi), bà Hoàng Thị Hồng (59 tuổi, mẹ chị Tuyền) và người con của chị Tuyền nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng lơ mơ, khó thở, được chẩn đoán ngộ độc khí CO.
Sau thời gian cấp cứu, chị Tuyền và bà Hồng có diễn biến ngộ độc nặng, dự kiến chuyển lên tuyến trên, còn cháu bé đang được thở oxy.
Trước đó, người nhà cho biết vào sáng 4/12, họ gõ cửa phòng người phụ nữ nhưng không ai trả lời. Phá cửa để vào bên trong, gia đình phát hiện 3 người nằm bất tỉnh trên giường.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó vào đêm 3/12, cả 3 người cùng đốt than sưởi ấm trong phòng kín.
Đến sáng nay, người thân sang phòng chị Tuyền gõ cửa nhưng không ai trả lời. Lo có chuyện chẳng lành, sau đó người dân đã phá cửa.
Khi vào bên trong, họ phát hiện chị Tuyền cùng mẹ ruột và con trai nhỏ mới 13 ngày tuổi nằm bất tỉnh trên giường, bên cạnh có chậu than đang ấm.
Ngay sau đó lực lượng nhân viên y tế sau đó đến hiện trường, sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân và đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu.
Nồi đất đựng than được gia đình sản phụ đặt trong phòng để sưởi ấm. |
Ngộ độc khí CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người ngạt khói. Vào mùa lạnh, nhu cầu đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. CO khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch của phổi vào máu, cạnh tranh với oxy, dẫn tới nhân Heme trong hồng cầu không gắn với oxy được nữa. Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
Từ những tác hại của khói than nói trên, bác sĩ Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 khuyến cáo không sử dụng than đá để sưởi ấm. Đồng thời, không dùng than để xông, hơ cho mẹ và bé nhỏ.
Đối với gia đình sử dụng chất đốt là nhiên liệu rắn như than, củi..., vị trí đun nấu nên cách xa phòng ngủ, có ống thông khói và đặt ở nơi thoáng đãng, vệ sinh thường xuyên.
Để làm ấm cơ thể vào mùa lạnh, mọi người có thể thêm chút gia vị vào món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng để vừa giữ ấm cơ thể, vừa tăng sức đề kháng. Giữ thói quen tập luyện thể thao mỗi ngày cũng là một phương pháp giúp giữ ấm trong thời tiết lạnh.