Quảng Ninh từng bước nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam "Cơ hội vàng" đón khách du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương Giải pháp phát triển du lịch văn hóa tỉnh Cà Mau |
Doanh thu du lịch có chiều hướng tăng
![]() |
Nhìn tổng thể bức tranh phát triển ngành du lịch của thị trấn năm 2025 có những tín hiệu khởi sắc, doanh thu du lịch có chiều hướng tăng dù số lượng du khách ít hơn. |
Khu du lịch Tam Đảo nằm ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, được hình thành từ năm 1904 bởi sự phát hiện của một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ tìm kiếm trong dãy núi Tam Đảo một địa điểm thuận lợi để đặt trạm nghỉ mát mùa hè. Sau đó, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định triển khai xây dựng công trình Khu điều dưỡng Tam Đảo, năm 1906, Phủ Toàn quyền Đông Dương ra quyết định xây dựng thị trấn Tam Đảo thành nơi tráng lệ bậc nhất Đông Dương, người Pháp dùng cụm từ là “Hòn ngọc Đông Dương”.
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, thị trấn Tam Đảo vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Đến nay, sau 120 năm, Tam Đảo đã từng bước khẳng định vị thế của Khu du lịch Quốc gia và được Tổ chức du lịch thế giới bình chọn là Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới các năm: 2022 và 2023. Hướng đến mục tiêu tăng trưởng 13% trong năm 2025, thị trấn Tam Đảo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tự tin bước vào mùa du lịch mới với tâm thế là mũi nhọn chủ lực của ngành du lịch tỉnh, khi 3 năm liên tiếp thị trấn Tam Đảo được vinh danh là thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới do Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bình chọn.
Số lượng khách du lịch quý I/2025 đến thị trấn Tam Đảo ước khoảng hơn 77.600 lượt, đạt 20,4% kế hoạch năm, trong đó, khách lưu trú qua đêm hơn 41.200 lượt, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2024; khách nước ngoài là 1.204 lượt, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng doanh thu ước đạt hơn 52 tỷ đồng, đạt 15,4% so với kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tâm lý tiết kiệm chi do suy thoái kinh tế và lạm phát đã ảnh hưởng đến số đông người dân, lượng khách đến với thị trấn sụt giảm hơn so với cùng kỳ năm 2024. Song, nhìn tổng thể bức tranh phát triển ngành du lịch của thị trấn năm 2025 có những tín hiệu khởi sắc, doanh thu du lịch có chiều hướng tăng dù số lượng du khách ít hơn. Điều đó cho thấy, việc khai thác hiệu quả kinh tế từ ngành du lịch của thị trấn đã có sự chuyển biến, hứa hẹn tạo ra những giá trị gia tăng mới.
Dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay được cho là thời điểm đánh dấu mốc khởi đầu cho một năm du lịch của thị trấn, bởi những kỳ nghỉ lễ dài ngày sẽ thu hút lượng lớn du khách, nhất là du khách đến từ khu vực Thủ đô Hà Nội - nơi cách thị trấn Tam Đảo chỉ gần 2 giờ di chuyển, giao thông thuận lợi, đồng bộ, các sản phẩm du lịch của thị trấn đem lại những trải nghiệm như ở xứ sở Đà Lạt, Sa Pa trong khoảng thời gian nghỉ dưỡng từ 1 - 2 ngày, phù hợp với nhiều phân khúc du khách.
Để tăng sức hút với du khách, tạo đà cho ngành du lịch bứt tốc ngay giai đoạn đầu mùa, thị trấn Tam Đảo đã tranh thủ mọi nguồn lực, sự chung tay của các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, tổ chức sự kiện trên địa bàn thị trấn xây dựng hình ảnh đẹp về khu du lịch. Điểm nhấn đáng chú ý là các sự kiện được tổ chức đã tạo ra những "tệp" khách hàng mới cho thị trấn Tam Đảo.
Tạo ra nét đặc trưng để tạo ấn tượng
![]() |
Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng đề ra, thị trấn sẽ cố gắng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới. |
Thị trấn Tam Đảo hiện có gần 200 cơ sở lưu trú, hàng chục khách sạn cao cấp từ 3 sao đến 5 sao với gần 100 nhà hàng cùng 3.500 phòng lưu trú có thể phục vụ gần 1 vạn khách/ngày đêm. Xác định phát triển dịch vụ du lịch là mũi nhọn, những năm qua, thị trấn Tam Đảo luôn quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Hằng năm, thị trấn phối hợp mở các lớp tập huấn cho 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn về nghiệp vụ bàn - buồng - bar, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy…
Các nhà hàng, khách sạn được cải tạo, nâng cấp đầu tư mới hiện đại; các chương trình, sản phẩm du lịch mới được tổ chức, giới thiệu, quảng bá nhằm thu hút du khách đến với địa phương, chiêm ngưỡng và trải nghiệm những đặc trưng thú vị trong 4 mùa ở Tam Đảo. Bên cạnh đó, nắm bắt được thị hiếu của du khách, người dân Tam Đảo đã có nhiều thay đổi trong cách phát triển du lịch, dịch vụ, thực hiện cải tạo, trang trí cảnh quan để dựng nên những khu tham quan, chụp ảnh, quán cà phê với tầm nhìn ấn tượng giữa rừng cây, đất trời.
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch chung đô thị loại IV của huyện Tam Đảo, huyện Tam Đảo và thị trấn Tam Đảo được định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này và tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Tam Đảo, xây dựng Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo phát triển bền vững mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo đã, đang đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực để xây dựng thị trấn Tam Đảo trở thành khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp của vùng và cả nước.
Ông Nguyễn Duy Dũng - Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết, nâng tầm du lịch thị trấn Tam Đảo là việc khó, cần nhiều nguồn lực và thời gian, tuy vậy để hướng đến mục tiêu tăng trưởng đề ra, thị trấn sẽ cố gắng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo ra nét đặc trưng để tạo ấn tượng với du khách. Tận dụng tốt những ưu thế đó, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phát triển thành các chuỗi sản phẩm mang tính chất kết nối đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, phát triển những mặt hàng là sản phẩm đặc trưng của địa phương và những mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách, nhất là du lịch âm nhạc, du lịch tâm linh, các sản phẩm đang có chiều hướng phát triển mạnh những năm gần đây.
Đặc biệt, trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Hè năm 2025, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, của địa phương, chuẩn bị tốt công tác đón tiếp du khách. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực gắn với giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề bức xúc trên địa bàn, bảo vệ quyền lợi cho du khách đến với thị trấn. Để tăng sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế, UBND thị trấn đề nghị tỉnh sớm đầu tư và triển khai các dự án phục vụ du lịch trên địa bàn thị trấn như di tích nhà Bác Hồ, các khu vui chơi, giải trí, bến xe, các điểm tham quan, ngắm cảnh... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.