Chỉ 3.400 lượng vàng đấu thầu thành công: Đơn vị tham gia đấu thầu rất thận trọng Chuyên gia hiến kế để vàng đấu thầu thoát ế Ngày mai (25/4) tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC |
Giá vàng SJC bật tăng sau phiên đấu thầu. |
11 đơn vị tham gia phiên đấu thầu vàng phiên đầu tiên
Sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Có 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp dự thầu, bao gồm: HDBank, ACB, Eximbank, Techcombank, Sacombank, MSB, VPBank, SJC, DOJI, Phú Quý, PNJ.
Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu số lượng là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Trong phiên đấu thầu vàng miếng hôm 23/4, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc được hạ xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn mức giá tham chiếu dự kiến áp dụng cho phiên đấu thầu vàng ngày 22/4 là 1,1 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng.
Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu lần này là 16.800 lượng, trong đó khối lượng vàng miếng của mỗi lô giao dịch là 100 lượng/lô. Đây là loại vàng miếng SJC được NHNN tổ chức sản xuất. Động thái này được xem là giải pháp quyết liệt của NHNN nhằm tăng cung nguồn cung vàng miếng ra thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, lượng đấu thầu thành công ở mức 3.400/16.800 lượng vàng, không giải quyết được vấn đề bình ổn thị trường.
Theo ông Huân, phiên đấu thầu chỉ mang yếu tố tâm lý, giá tham chiếu và cả giá đấu thầu quá cao, nên không có tác dụng giúp giảm giá thị trường vàng trong nước.
"Cho dù có đấu thầu thành công 100.000 lượng, giá vàng vẫn không thể giảm được và vẫn neo ở mức cao. Bởi vì giá đấu được quá cao, nếu tổ chức bán ra cũng phải cao hơn giá 81,32 triệu đồng/lượng và vẫn phải có phần lời 1-2%", ông Huân nêu.
Nhiều doanh nghiệp phải đứng ngoài cuộc
Các doanh nghiệp tham gia buổi đấu thầu tại trụ sở NHNN. Ảnh: TTXVN |
Chuyên gia Trần Duy Phương cho biết thêm, trong phiên đấu thầu ngày 23/4, chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia và số vàng đấu thầu thành công số lượng cũng ít, chỉ 3.400 lượng vàng miếng SJC.
Số lượng này chưa tạo nguồn cung nhiều cho thị trường nên khó có thể kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng. Vì theo quy chế đấu thầu vàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia được.
Cụ thể, doanh nghiệp gia tham đấu thầu khối lượng tối thiểu phải từ 14 lô, tương đương 1.400 lượng lượng vàng. Khối lượng đấu thầu tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu với số lượng ít hơn từ 400-1.000 lượng vàng thì không được, nên họ phải đứng ngoài cuộc và chờ mua lại từ doanh nghiệp trúng thầu hoặc mua từ thị trường tự do. Chính vì vậy, quá trình bình ổn giá vàng sẽ càng lâu hơn.
Chuyên gia Trần Duy Phương phân tích, việc số doanh nghiệp tham gia đấu thầu ít, lượng vàng đấu thầu thành công ít nên chưa tạo được nhiều nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, giá vàng tham chiếu cao nên doanh nghiệp chưa mặn mà đấu thấu thầu với số lượng vàng nhiều để có nguồn cung bán ra thị trường, mà chủ yếu chỉ giải quyết trạng thái âm vàng của doanh nghiệp.
“Tổ chức thêm nhiều phiên đấu thầu nữa để cung ứng thêm vàng miếng ra thị trường phải hơn 10.000 lượng trở lên lúc đó giá vàng trong nước mới co lại co so với mức chênh lệnh giá vàng thế giới. Vấn đề không phải giá vàng 81-82 triệu đồng/lượng hay 71 triệu đồng/lượng mà hiện nay giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới 11 triệu đồng/lượng, nhưng qua đấu thầu giảm khoảng cách này còn 6 triệu đồng/lượng là thành công”, Chuyên gia Trần Duy Phương nêu ý kiến.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chia sẻ quan điểm, để "hạ nhiệt" thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiến hành đấu thầu thêm 4 - 5 phiên, song mấu chốt là giá cọc sẽ phải thấp hơn nữa mới hấp dẫn các đơn vị bỏ thầu.
"Quan trọng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn, chứ yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng quá khó.
Trong 11 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng, chỉ 2 doanh nghiệp trúng thầu không gây ra tác động nhiều tới thị trường. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đấu thầu, mỗi đơn vị chỉ cần mua 400 - 500 lượng vàng thôi, số vàng cung ra thị trường cũng hàng nghìn lượng, sẽ có tác động tốt tới thị trường", ông Phương phân tích.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng quan điểm, cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Những thay đổi tập trung vào các khía cạnh như xóa độc quyền vàng miếng SJC, giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì Ngân hàng Nhà nước thực hiện.