Nhiều nhà đầu tư và người dân đã mang vàng đi bán lo ngại giá vàng sẽ giảm tiếp. Ảnh minh họa |
Theo lịch trình, phiên đấu giá vàng miếng SJC sẽ được diễn ra trong sáng nay (22/4), tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cho biết, do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên đã hủy thông báo đấu thầu trước đó và chuyển lịch triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10h ngày 23/4.
Khảo sát tại thời điểm 16h ngày 22/4/2024, giá vàng SJC trong nước bất ngờ quay đầu giảm so với rạng sáng cùng ngày. Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng SJC ở mức 81 - 83,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC tại đơn vị này được điều chỉnh giảm 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Sau khi điều chỉnh giảm mạnh giá vàng ở chiều mua vào, khoảng cách chênh lệch giá mua bán vàng tại đơn vị này tăng lên mức 2,5 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng cách chênh lệch cao, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng.
Cùng thời điểm, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,95 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra ở mức 83,9 triệu đồng/lượng bán ra. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 350.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Khoảng cách chênh lệch giá mua bán vàng tại đơn vị này cũng đang ở mức 2,4 triệu đồng/lượng.
Chị Linh Chi (Tây Hồ, Hà Nội) - khách hàng đang giao dịch tại một cửa hàng vàng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ra những thông báo chỉ đạo điều hành về giá vàng, chị đã đi khảo sát thông tin thị trường và mang một phần vàng mua đầu tư trước đó đi bán để giảm bớt rủi ro. "Nay tôi ra cửa hàng vàng xem thị trường như nào, người mua nhiều hơn hay người bán nhiều hơn. Giá vàng những ngày gần đây biến động mạnh, nên việc nắm giữ thêm vàng trong thời gian này cũng tương đối rủi ro" - chị Linh Chi lo ngại.
Tương tự, anh Duy Kiên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chia sẻ, giá vàng tăng giảm liên tục. Mức chênh lệch mua bán vàng ở các thương hiệu chênh lệch nhau khá lớn, do đó, nếu mua đầu tư vàng trong thời điểm này, nhà đầu tư và người dân sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ rất lớn. "Tôi không dám xuống tiền đầu tư thêm vàng trong giai đoạn này, bởi gần đây diễn biến giá vàng rất khó đoán. Đợi thêm 1,2 ngày nữa khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng, nếu giá vàng sau đó giảm, tôi sẽ tích cực mua đầu tư" - anh Duy Kiên cho hay.
Ông Huỳnh Trung Khánh - phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng ở thời điểm này, khi giá vàng miếng SJC bán ra trên thị trường đang ở mức 83,5 triệu đồng/lượng và lại yêu cầu số lượng mua tối thiểu là 1.400 lượng cũng khiến các đơn vị tham gia đấu giá hết sức cân nhắc.
Vì 1.400 lượng vàng miếng SJC ở thời điểm này tương đương hơn 116 tỉ đồng. Bỏ ra số tiền khổng lồ nếu trúng thầu nhưng không biết có tiêu thụ kịp không vì sức mua của thị trường lúc này rất chậm.
"Tôi có tham khảo một số doanh nghiệp vàng thì 1.400 lượng tương đương số lượng vàng mà họ bán ra trong vòng một tuần. Chưa kể rủi ro về giá vì giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn.
Sức mua của thị trường còn là ẩn số vì khi có thêm nguồn cung vàng miếng SJC lớn được cung ra thị trường, thì yếu tố tâm lý được giải tỏa, khi đó người dân cũng bán ra thay vì mua vào", ông Khánh nói.
Nhiều chuyên gia cũng dự báo có thể trong phiên đấu thầu đầu tiên sau 11 năm, nhiều công ty vàng sẽ chỉ quan sát chứ không dám mạnh tay vì mức giá sàn gần bằng mức giá mua vào từ thị trường, trong khi ở đây là mua sỉ, tối thiểu là 1.400 lượng.