Giá vàng nhẫn bất ngờ giảm trong ngày đầu đấu thầu vàng miếng SJC Hai nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu vàng miếng Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ: Thị trường phản ứng ra sao? |
Giá vàng, tỷ giá USD/VND có hạ nhiệt sau loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước? |
Tỷ giá “nóng bỏng”
Tỷ giá trung tâm ngày 17/4 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.231 VND/USD. Với mức điều chỉnh trên, đây là mức tăng tỷ giá trung tâm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Như vậy với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.019 - 25.443 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng lên mua - bán ở mức 23.400 - 25.392 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tiếp tục tăng mạnh. Chẳng hạn tại Vietcombank, đồng USD mua - bán ở mức 25.100 – 25.440 đồng/USD. VietinBank cũng tăng giá mua và giá bán 25.443 đồng/USD. BIDV công bố giá mua – bán ở mức 25.130 – 25.440 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, đồng USD tiếp tục tăng và cao hơn đáng kể với giá giao dịch tại các ngân hàng, quanh mức 25.570 – 25.800 VND/USD.
Theo các chuyên gia, giá USD trong nước tăng cao chịu nhiều tác động từ giá USD trên thị trường thế giới khi luôn duy trì ở mức cao. Nếu như đầu năm, chỉ số USD Index (đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt) ở mức 101,38 điểm thì nay ở mức 106,36 điểm.
Đồng USD đạt mức cao nhất trong 5 tháng so với đồng Euro trong phiên ngày 17/4 sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có thể phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn vì lạm phát vẫn ở mức cao.
Đặc biệt, một nguyên nhân khiến USD tự do tăng mạnh là do giá vàng cũng đang ở mức kỷ lục. Giá vàng SJC trong phiên giao dịch ngày 17/4 dao động quanh 83,8 triệu đồng/ lượng.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho hay, thống kê của Hội đồng Vàng thế giới đưa ra con số, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu/năm, nên số ngoại tệ phải bỏ ra để mua lên tới hàng tỷ USD mỗi năm, từ đó gây áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt, trong thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 13-20 triệu đồng mỗi lượng, tạo thành “lỗ hổng” cho buôn lậu và khiến USD trên thị trường tự do tăng mạnh.
Ngoài ra, giới chuyên gia nhìn nhận, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tính chung quý I tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có đơn hàng gia tăng nên việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng cũng nhiều hơn, kéo theo nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán và làm tỷ giá tăng theo.
Giá vàng tăng phi mã
Từ đầu năm đến nay, đây là đợt thứ 3 giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC phá vỡ kỷ lục. Thế nhưng, đáng chú ý là chưa đợt tăng giá nào lại nhanh và mạnh như đợt tăng lần này. Trong 2 ngày 8, 9/4, giá vàng nhẫn và vàng miếng tăng gần 4 triệu đồng/lượng. Riêng trong ngày 9/4, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh bảng giá từng phút, từng giờ.
Vào lúc 13h ngày 9/4, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn 74,83 - 76,03 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra, tăng 800.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút, doanh nghiệp này tăng tiếp 400.000 đồng/lượng lên 76,43 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn điều chỉnh từng phút. Đến 16h cùng ngày giá vàng nhẫn được doanh nghiệp này nâng lên 75,5 - 77,18 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra.
Sau khi điều chỉnh tăng nửa triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng, vàng miếng SJC tăng không ngừng vào buổi chiều. Vào lúc 14h45, vàng SJC lại tiếp tục được điều chỉnh tăng lên mốc 84 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Cứ sau 30 - 45 phút, giá vàng lại tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/lượng. Đến 16h15, vàng SJC được điều chỉnh tăng lên mức 82,8 - 84,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong bối cảnh giá vàng tăng liên tục, người dân vẫn có xu hướng lao vào mua vàng trong “cơn sốt”, bất chấp lời cảnh báo của chuyên gia với kỳ vọng giá vàng miếng SJC sẽ tăng lên 100 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn lên 90 triệu đồng/lượng. Tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội), người dân xếp hàng chờ mua vàng. Nếu như cách đây nửa tháng, người dân tập trung mua vàng nhẫn bởi lo ngại Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm bỏ độc quyền vàng SJC thì nay cả vàng miếng và vàng nhẫn đều có lượng giao dịch tăng đột biến.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bên cạnh việc giá vàng thế giới tăng, nhu cầu mua tăng mạnh khiến giá vàng trong nước tăng theo.
Chuyên gia vàng Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo quan sát diễn biến giá vàng trên thị trường 2 hôm nay có thể thấy lực mua đang mạnh hơn, thậm chí người giữ tiền có cảm giác sốt ruột khi giá vàng thế giới chưa có dấu hiệu điều chỉnh trong khi giá vàng trong nước lại tăng từng giờ. Trong khi đó, lãi suất huy động hiện nay lại quá thấp.
Theo ông Hùng, về phía nguồn cung, vàng nhẫn đã khan hiếm nay còn hạn chế hơn khi những ngày trước xuất hiện thông tin đề xuất cho nhập vàng theo đường chính ngạch nhưng hiện nay cơ quan quản lý vẫn chưa cấp phép. Thêm vào đó, một số đầu mối nhập vàng cũng e dè hơn khi cơ quan chức năng đang dồn dập ra quân và việc nhập vàng giá cao cũng đem đến nhiều rủi ro.
Dồn dập các giải pháp
Việc tỷ giá tăng nhanh ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, tại tâm lý lo lắng với không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam mà ngay cả với các doanh nghiệp trong nước; ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, lạm phát và dòng vốn trên thị trường chứng khoán...
Hôm 19/4, NHNN đã công khai bán ngoại tệ can thiệp, cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có trạng thái ngoại tệ âm, với mức giá đưa ra là 25.450 đồng, để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là biện pháp can thiệp mạnh mẽ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Bên cạnh đó, từ giữa tháng 4, NHNN thực hiện song song hai công cụ tín phiếu và công cụ cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) nhằm giảm áp lực tỷ giá. Cùng với việc bơm tiền cho các ngân hàng thiếu thanh khoản, NHNN đồng thời hút tiền về với các ngân hàng dư thừa tiền VND.
Kể từ ngày 11/3, NHNN đã hút về tổng cộng hơn 170 nghìn tỷ đồng để giảm bớt tình trạng dư thừa thanh khoản trên hệ thống. Đây cũng là khoảng thời gian tỷ giá được duy trì ổn định một cách tương đối, trước khi bứt lên trên ngưỡng 25.000 đồng/USD (theo giá bán ra tại Vietcombank) từ hôm 2/4.
Gần đây, các tín phiếu kỳ hạn 28 ngày đáo hạn đã trả lại thị trường một lượng tiền khá lớn, qua đó phần nào gây áp lực lên tỷ giá.
Với việc vàng miếng tăng phi mã, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đấu thầu vào 9h sáng mai (23/4). Hiện 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia. Các đơn vị sẽ đăng ký, đặt cọc tham gia phiên thầu trong hôm nay.
Các thông tin không thay đổi, trừ giá tham chiếu. Theo đó, giá tham chiếu cho mỗi lượng vàng miếng SJC của phiên đấu thầu ngày mai là 80,7 triệu đồng, giảm 1,1 triệu đồng so với giá tham chiếu phiên bị hủy.
Chỉ là giải pháp tình thế?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc NHNN đưa ra kế hoạch đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng.
Vị chuyên gia này nhận định, khi NHNN đẩy một khối lượng vàng vào trong thị trường vàng thì sẽ làm giảm nhiệt "cơn sốt" hiện nay. Hiện tại nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên. Vì vậy khi NHNN đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông chắc chắn nó sẽ làm giá vàng giảm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc đấu thầu cần phải có một lượng vàng rất lớn và thường trực để giữ sự bình ổn. Việc đấu thầu vàng thông qua NHNN có tác động tích cực, làm giảm nhiệt trên thị trường vàng. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết NHNN sẽ đẩy khối lượng vàng bao nhiêu có lẽ chỉ là những động thái mang tính giai đoạn. Về lâu về dài NHNN phải xem xét việc sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 24.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC.
Theo ông Khánh, để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng miếng là biện pháp cần thiết và là giải pháp tình thế. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra các phiên đấu thầu vàng miếng. NHNN đã sử dụng giải pháp này năm 2013, với hàng chục phiên.
Việc đấu thầu vàng miếng, ông Khánh cho rằng, chắc chắn sẽ giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giảm ở mức độ bao nhiêu còn phụ thuộc vào lượng vàng mà NHNN sẽ cung ứng ra thị trường.
Ông Huỳnh Trung Khánh đưa ra tình huống, chẳng hạn, thị trường cần 10.000 lượng trong một tuần, NHNN cung ứng đủ số lượng đó mới có thể kéo giảm chênh lệch giá. Nhưng nếu chỉ cung cấp được 2.000-3.000 lượng, giá sẽ giảm phần nào nhưng vẫn cao.Qua một vài phiên đấu thầu sẽ phần nào nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó Nhà nước sẽ cân nhắc cung ứng số lượng vàng SJC bao nhiêu.
Trong khi đó, giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lập đỉnh mới sau thông tin Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ can thiệp thị trường từ 19/4
Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định tỉ giá chưa hạ nhiệt có thể do thời điểm hiện tại các bên liên quan còn đang "quan sát thị trường". Bên có USD kỳ vọng có thể bán được giá cao hơn nên chưa đẩy mạnh bán ra USD. Tỉ giá bán của Ngân hàng Nhà nước (25.450đ đồng/USD) hiện đã thấp hơn tỉ giá bán của ngân hàng thương mại (25.485 đồng/USD), nên sẽ góp phần neo kỳ vọng trong ngắn hạn.
"Với Ngân hàng Nhà nước, việc bán ngoại tệ theo hướng gửi tín hiệu và thăm dò phản ứng thị trường cũng là cần thiết nhằm tránh hao tổn dự trữ ngoại hối. Để đánh giá hiệu quả của việc bán ngoại tệ từ cơ quan quản lý thì chúng ta cần theo dõi thêm trong vài tuần tới", ông Hùng Linh nói.
Trước đó, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh. Mức mất giá của đồng nội tệ ở các nước dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỉ giá VNĐ/USD đã mất giá 4,9% so với đầu năm.
Chuyên gia: Đấu thầu vàng sẽ khiến giá vàng trong nước giảm mạnh |
Gần 17.000 lượng vàng miếng sẽ được đấu thầu vào sáng 22/4 |
Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ: Thị trường phản ứng ra sao? |