Nhiều nhà đầu tư đổ xô bán vàng SJC trước phiên đấu giá Chỉ 3.400 lượng vàng đấu thầu thành công: Đơn vị tham gia đấu thầu rất thận trọng Chuyên gia hiến kế để vàng đấu thầu thoát ế |
Mức giá tham chiếu của phiên thứ 2 tăng nửa triệu đồng so với phiên đầu tiên. |
Mức giá tham chiếu tăng nửa triệu đồng so với phiên đầu tiên
Nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/4.
Đây sẽ là phiên đấu thầu vàng thứ 2, sau phiên đầu tiên diễn ra vào sáng 23/4.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu trong phiên này tiếp tục là 16.800 lượng, tương đương 638 kg, bằng với phiên đấu thầu đầu tiên.
Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.
Đáng chú ý, trong phiên đấu thầu này, nhà điều hành thông báo mức giá tham chiếu cho các thành viên đặt cọc là 82,3 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng so với phiên đấu thầu trước đó.
Trước đó vào phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra sáng 23/4, đã có 2 thành viên là Ngân hàng ACB và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC trúng thầu 3.400 lượng vàng miếng (34 lô) của NHNN, tương ứng 20% khối lượng đấu thầu. Còn lại 13.400 lượng vàng “bị ế".
Mức giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng và cao nhất 81,33 triệu đồng/lượng. Đây là phiên đấu thầu đầu tiên sau 12 năm NHNN thực hiện.
Được biết mức giá phát thầu đấu 16.800 lượng vàng đưa ra tại phiên đầu tiên được NHNN công bố ở mức 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh trên thị trường tại cùng thời điểm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, nhưng thấp hơn giá các doanh nghiệp bán ra khoảng 1 triệu đồng.
Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế
Có 2/11 đơn vị trúng 3.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu ngày 23/4. Ảnh: Vietnam+ |
Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng mức giá tham chiếu 81,32 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra trong phiên đấu thầu đầu tiên tương đối cao, cũng là nguyên nhân chính khiến lượng vàng đấu thầu của NHNN không bán được nhiều.
So với vàng thế giới, mức giá trúng thầu của các thành viên đã cao hơn 10 triệu đồng/lượng. Nếu lấy giá này cộng với chênh lệch 2 triệu đồng/lượng từ chiều mua và bán từ thị giá đang giao dịch trên thị trường thì giá bán vàng miếng SJC từ các thành viên trúng thầu sẽ lên đến 83,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thị trường đang giao dịch cả triệu đồng.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng đang bất hợp lý như hiện nay.
TS. Đinh Thế Hiển lưu ý, để cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, trước hết cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng, từ đó có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh việc cho nhập khẩu vàng, chuyên gia kinh tế cũng đề xuất Chính phủ cần dùng công cụ mạnh để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư. Mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch.
Giá vàng nhẫn tăng mạnh vẫn tạo ra cơn sốt |
Hai nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu vàng miếng |
Giá vàng, tỷ giá USD/VND có hạ nhiệt sau loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước? |