Qua thời gian dài, phân bón giả và kém chất lượng đã gây hại cả về kinh tế, về sức khỏe của hàng chục triệu người nông dân Việt Nam mà nổi cộm nhất là kỳ án Thuận Phong. Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã có buổi phỏng vấn đặc biệt với Ông Trần Hùng - Tổ trưởng tổ công tác QLTT về Phân bón giả, kém chất lượng nhằm đưa đến cho bạn đọc cái nhìn khả quan trước công tác bảo vệ người nông dân nói riêng, bảo vệ nền kinh tế nông nghiệp chủ đạo của Việt Nam nói chung.
PV: Thưa ông, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác về Quản lý thị trường, ông có thể chia sẻ về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của tổ công tác?
Ông Trần Hùng - Tổ trưởng tổ công tác Quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường |
Ông Trần Hùng: Hiện nay, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quy mô, số lượng lớn, hoạt động liên địa bàn, có tính chất đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần, phục vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, Tổ sẽ tăng cường công tác phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật, trao đổi thông tin, tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Dựa theo Quy chế, hai Tổ sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Phổ biến, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc;
Tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; xây dựng các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
PV: Ở góc độ cơ quan quản lý, ông đánh giá như thế nào về thị trường phân bón hiện nay?
Ông Trần Hùng: Từ lúc tôi được phân công làm trong lĩnh vực Quản lý thị trường đến nay đã được 10 năm. Phân bón giả là vấn đề mà tôi luôn trăn trở nhất, cụ thể là liên quan tới vật tư nông nghiệp là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng.
Tôi hy vọng sau khi Tổ công tác về Quản lý thị trường thành lập trong thời gian tới sẽ phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị chức năng trong lĩnh vực Quản lý thị trường, đặc biệt ưu tiên kết hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật làm tốt hơn trong công tác quản lý cấp giấy phép sản xuất phân bón. Đặc biệt sẽ rà soát, đánh giám, kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành phân bón, có dấu hiệu làm ăn khuất tất, gian dối, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, tập trung chính vào hai vùng trọng điểm là Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ số lượng lớn phân bón hết hạn sử dụng tại Gia Lai |
PV: Ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện phân bón giả, kém chất lượng hiện nay?
Ông Trần Hùng: Nếu nói về phân bón giả điều quan trọng nhất ở đây là chất lượng, mẫu mã bao bì. Để giải quyết bài toán phân bón giả, điều chú ý và quan trọng nhất là từ khâu bắt đầu nhập chất lượng từ nước ngoài, từ nguyên liệu phải được giám định rõ ràng, về nguồn gốc xuất xứ, quy trình cấp phép, nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất phải làm đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn, cho ra sản phẩm đúng công bố của nhà nước và phải có đơn vị chịu trách nhiệm về các quy trình trên.
Các cơ quan kiểm tra kiểm soát như Cục Bảo vệ thực vật, Thanh tra Sở Nông Nghiệp, Cục Quản lý Thị trường, Công an kinh tế… cần có sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị, tăng cường quản lý, siết chặt công tác thanh, kiểm tra các cơ sở, các đầu mối kinh doanh sản xuất phân bón ra thị trường, xử lý mạnh tay trường hợp làm trái quy định.
Trong thời gian sắp tới sẽ tăng cường tổ chức những hội nghị, hội thảo những buổi làm việc nghiêm túc với các bộ ban ngành, chính quyền đại phương, cơ sở. Thông qua báo chí các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho người dân tăng cường đấu tranh phát hiện, tố giác các cơ sở kinh doanh, đại lý buôn bán phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm có thể là khởi tố trách nhiệm hình sự.
Nhanh chóng ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn sản xuất kinh doanh phân bón giả kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường gây thiệt hại và bức xúc cho 60 triệu người nông dân Việt Nam. Mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt là ở các địa phương phải chỉ rõ người đứng đầu phải có trách nhiệm như Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Trưởng ban chỉ đạo 389… và chính quyền cơ sở ấp, phường, xã trong việc tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân trong việc mua bán phân biệt hàng giả kém chất lượng.
Chia sẻ chuyên môn, phối hợp các ban ngành chức năng tốt là chìa khóa để vấn nạn phân bón giả được bài trừ toàn diện |
PV: Hiện nay, công tác đấu tranh chống phân bón giả đang gặp những khó khăn gì và cách giải quyết khó khăn đó như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Hùng: Hiện nay, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh chống phân bón giả chính là thẩm quyền và cơ chế phối hợp. Đặc biệt là giữa Tổng cục Quản lý Thị trường và Cục Bảo vệ thực vật. Khi phát hiện xử lý thì những người có trách nhiệm phải nhanh chóng có mặt kịp thời đi cùng tổ công tác vào những vùng điểm nóng đã làm thì phải quyết liệt, như đi đánh trận thì mới thành công được.
Khó khăn tiếp theo là việc giám định chất lượng phân bón giả hay thật chính là vấn đề kinh phí giám định, muốn biết là giả hay không thì phân biệt qua tem, nhãn, bao bì là rất khó để phân biệt đâu là hàng thật và đâu là hàng giả kém chất lượng, còn chất lượng như thế nào phải thông qua giám định, chi phí giám định ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Đấy là quy trình mà tôi thấy khó và gây cản trở nhất hiện nay. Vì thế thời gian tới mong muốn nhà nước sẽ thành lập quỹ giám định chất lượng, hoặc giao cơ quan nào đảm nhiệm vấn đề kinh phí khi giám định.
Sau cùng bài toán nan giải nhất vẫn là vấn đề xử lý tiêu hủy các sản phẩm sau khi phát hiện. Việc này theo quan điểm của tôi nên giao cho Cục Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm trong vấn đề tiêu hủy phân bón, vì trong quá trình sản suất phân bón giả chứa rất nhiều chất độc hại khó tiêu hủy nếu trực tiếp đổ ra môi trường thì rất nguy hiểm gây ô nhiễm và rất độc hại. Bên cạnh đó Cục cũng phải chịu trách nhiệm trong sử dụng kinh phí cho việc tiêu hủy.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với khoảng 7.000 loại. Phần lớn phân bón giả là do các công ty nhỏ, không tên tuổi, không thương hiệu sản xuất, rồi thông qua các tổ hợp tác, các nông dân làm đầu mối giới thiệu sản phẩm để bán cho nông dân. Người nông dân mua phân bón, đơn giản chỉ nghĩ để cho cây trồng tươi tốt, năng suất cao nhưng cuối cùng lại thiệt đơn, thiệt kép: Mất tiền mua phân giả bằng giá phân bón thật, mất tiền do thất thu mùa vụ, chưa kể thiệt hại đến chất đất, môi trường sinh thái… Tính đến nay cả nước có khoảng 13 triệu ha đất canh tác nông nghiệp. Trong khi đó, có khoảng 7.000 loại phân bón khác nhau đang được lưu thông. Tuy nhiên, việc quản lý phân bón còn nhiều bất cập và kẽ hở để các đối tượng lợi dụng sản xuất và đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng tới ruộng đồng của nông dân. Các chuyên gia nông nghiệp tính toán, nếu tính trung bình phân bón giả gây thiệt hại mỗi ha là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỷ USD. |