![]() |
Khởi nguồn từ Trung Hoa, nét văn hóa này đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các quốc gia trên thế giới. Trà đạo ở mỗi quốc gia lại có những nét khác biệt riêng, mang dấu ấn văn hóa truyền thống vô cùng sâu sắc. Có thể nói, ở bất cứ nơi đâu có trà xuất hiện, ở đó đều có bóng dáng của nền văn minh trà đạo thanh cao, tinh tế.
Ở Việt Nam, theo những ghi chép lịch sử, nền trà đạo bắt nguồn từ thời nhà Lê, phát triển mạnh ở thời nhà Nguyễn, vốn chỉ dành riêng cho tầng lớp vua chúa, về sau được lan truyền rộng rãi trong khắp mọi tầng lớp Nhân dân. Đối với người Việt, trà đạo không chỉ kết nối mối quan hệ giữa người với người mà còn đại diện cho văn hóa ứng xử kính trên nhường dưới, đề cao lễ nghĩa và phép tắc trong đời sống thường ngày…
Ở Thanh Hóa, dạo vài vòng tìm một quán trà ngon, đều được chỉ dẫn đến một địa chỉ quen thuộc - “Phúc An trà”. Nằm gọn gàng, không quá nổi bật hoặc phô trương nhưng lại rất dễ tìm thấy trong một con phố cổ giữa lòng thành phố Thanh Hóa, “Phúc An trà” được thiết kế theo một phong cách tinh tế, sâu sắc, nhẹ nhàng, pha lẫn giữa những nét hoài cổ và hiện đại. Ở đây, bất cứ vị khách nào cũng cảm nhận được không gian riêng tư cho chính tâm hồn mình.
Chủ nhân của quán trà, anh Nguyễn Phúc An cho biết: “Năm 2013, lần đầu tiên đưa không gian trà đạo về Thanh Hóa, mặc dù biết rằng thời điểm ấy, đây là một loại hình ẩm thực khá xa lạ, nhưng với tình yêu trà đặc biệt sâu sắc, đã thẩm thấu qua cách cảm, cách hiểu, anh tin sẽ lan tỏa được hương thơm tinh túy cũng như cái “ngộ đời” mà anh đã hiểu qua những chén trà của anh”.
Quả thật vậy, sau 10 năm gây dựng, trải qua nhiều biến cố, anh đã thực sự đặt được nền tảng vững chắc của “trà đạo” tại xứ Thanh. Nhắc đến trà đạo nơi đây, mọi người đều nghĩ ngay đến “Phúc An trà”.
Một trong những điểm nổi bật và ấn tượng của trà đạo chính là nghệ thuật pha trà vô cùng tinh tế. Người pha trà phải am tường cách sử dụng trà cụ, đồng thời kiểm soát được độ sôi và nguồn nước, đảm bảo giữ lại trọn vẹn hương vị vốn có của trà. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại trà thơm ngon thượng hạng cũng là một điểm cộng to lớn, góp phần tạo nên nét cuốn hút của văn hóa trà.
![]() |
. Bách hoa trà là một trong những loại trà thảo dược đặc biệt của quán, kết hợp nhiều loại hoa, như mẫu đơn, hoa cúc, hoa nhài, hoa hồng, sâm, nấm quý, có công dụng an thần, đẹp da, giảm đau đầu và đặc trị rối loạn tiền đình |
Tại “Phúc An trà”, khách có thể được thưởng thức nhiều loại hình của trà Việt và thập đại danh trà Trung Hoa. Trong đó, trà Việt được lấy nguồn từ các loại trà đặc sản của nhiều vùng miền khác nhau, gồm: trà San Tuyết (Hà Giang); trà Tà Xùa (Sơn La); trà Đinh Shan (Điện Biên); trà Tôm nõn, trà Đinh Ngọc (Thái Nguyên); trà Bạch Hạc (Phú Thọ)…
Ngoài những dòng trà đặc sản vùng miền, còn những dòng trà hảo hạng được kết hợp với những loại thảo dược và hoa thơm. Người pha trà phải am hiểu một cách tinh tường về các nguồn dược liệu. Trà thảo dược không chỉ là một thứ đồ uống ngon, mà còn là những phương thức có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, tăng cường đề kháng, thanh lọc cơ thể, cải thiện tâm trí, giúp an thần, giảm căng thẳng, mệt mỏi và điều hòa khí huyết.
![]() |
Bát vị La Hán, một loại trà có 8 vị thảo dược, trong đó La Hán là chủ đạo, có công dụng tiêu đờm, giảm ho, hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm đường hô hấp trên. |
![]() |
Bát bảo cúc hoa là một loại trà được khách lựa chọn nhiều, đây là một trà bổ thận, mát gan, giải rượu, an thần |
Nói về cách thưởng trà đạo, thực ra, người Việt cũng không cầu kì và hoa mĩ. Một buổi thưởng trà lý tưởng có thể đi kèm ánh nến, hương trầm và hoa tươi dịu nhẹ. Tùy vào cách cảm nhận của mỗi người, không bị áp đặt bởi nhiều quy chuẩn về hình thức và cách thức, miễn sao có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị độc đáo của trà cũng như đắm mình trong những câu chuyện đời thường ấm áp.
Trước khi nhấp một ngụm trà, anh An lại nhắc bạn trà: “Khoan uống vội mà từ từ đưa chén trà qua cánh mũi, thưởng thức vị thơm nồng, hít hà thật sâu, thật sảng khoái, sau đó uống cạn một hơi để nước trà vừa qua họng có thể lắng đọng ở đầu lưỡi mà cảm nhận được vị ngọt hậu phía sau đó. Trà cũng như cuộc đời con người, có thăng trầm, đắng chát, song trải qua quá trình tôi luyện, cuối cùng cũng đưa ta đến cái vị ngọt ngào, ngát hương”.
Cho đến thời điểm này, nhu cầu thưởng trà của người dân xứ Thanh ngày một nhiều hơn. Khách thưởng trà, dù công tác ở bất cứ ngành nghề gì, công sở, kinh doanh, buôn bán… đều có thể hẹn hò tại quán, chiêm nghiệm cuộc đời, bàn bạc việc riêng hay tìm kiếm sự trải nghiệm thú vị của trà...
![]() |
Không gian trà thất |
Trà thất – các phòng trà riêng biệt, là những không gian nhỏ đảm bảo cho thực khách có thể hàn huyên, chuyện trò không bị chi phối bởi những người xung quanh. Đây là một ý tưởng được tiếp thu từ ý kiến đóng góp của thực khách, nhằm đa dạng hóa hình thức thưởng trà của nhiều đối tượng hưởng thụ. Anh An cũng cho biết thêm: Ở không gian trà thất, anh cố ý bày biện nhiều loại trà cụ có giá trị đẳng cấp cao hơn để thực khách có thể ngắm nghía, tìm hiểu và lựa chọn dụng cụ uống trà phù hợp với không gian tiếp khách hoặc làm quà tặng cho những người bạn yêu quý.
![]() |
Trà chủ Phúc An là người khá cởi mở nhưng cũng rất nghiêm túc và chịu khó tìm kiếm, đưa về nhiều trà cụ khác nhau của các vùng miền và một số nước Châu Á để thực khách có thêm nhiều trải nghiệm |
Quả thực, dù tiết trời oi ả nắng gắt hay giữa tiết đông lạnh giá, được thưởng thức những ấm trà thơm ngon trong không gian kết hợp hài hòa của hoa, của nến và của âm nhạc du dương, cảm nhận sâu lắng ý vị cuộc sống, thật rất khó tả bằng lời. Thưởng trà cũng được xem là một phát triển về tư duy văn hóa ẩm thực trong mỗi con người, thúc đẩy sự phát triển đi lên của đô thị phồn hoa – đô thị tỉnh lỵ, góp phần đưa thành phố Thanh Hóa trở thành một trong những đô thị hàng đầu trực thuộc tỉnh trong cả nước.
![]() |
![]() |
![]() |