Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã ưu tiên lựa chọn sản phẩn du lịch xanh |
Tại chất vấn và trả lời chất chiều ngày 21/8, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, phát triển du lịch xanh hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững là xu thế và cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm nào để thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Việt Nam trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm du lịch xanh. Trong đó có 4 dòng sản phẩm chính đã toát lên toàn bộ nội hàm bên trong là phát triển du lịch xanh và bền vững.
"Chính phủ đã có Nghị quyết số 82, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08 để tập trung vào nội dung này. Trong đó, có điểm cần lưu ý là phát triển du lịch bền vững, không phải theo mùa vụ, mà phải dựa trên nền tảng văn hóa, sản phẩm có tính chất nổi trội để xây dựng các hệ thống nổi trội để kết nối tour tuyến, phát triển du lịch vùng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đó, xác định quan điểm phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, mà phải chú đến môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn |
Trả lời chất vấn về nội dung lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để phát huy giá trị di sản, quảng bá văn hóa và sản phẩm du lịch của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa.
“Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nhiều địa phương đã và đang làm tốt việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó thu hút khách du lịch.
Bộ đã triển khai số hóa hoạt động thư viện, bảo tàng và bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, nhất là phát huy yếu tố di sản. Đặc biệt, lĩnh vực này đã có sự tham gia của các thành phần khác nhau, không chỉ có đầu tư công. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến cũng có các điều quy định về số hóa trong lĩnh vực di sản.