Ớt Aji Charapita đắt nhất thế giới
Ớt Aji Charapita đắt nhất thế giới |
Ớt Charapita có nguồn gốc từ miền bắc Peru, nên còn có tên gọi khác là ớt Peru Charapita, hay ớt Aji Charapita. Tên khoa học là Capsicum Baccatum, thuộc họ Solanaceae.
Ớt Charapita có hình tròn, to bằng đầu áp út, vỏ có màu xanh, khi chín cho màu vàng, màu vàng càng đậm thì càng cay.
Loại ớt này có thể dùng để ăn sống hoặc được giã nhỏ thành dạng bột để làm gia vị cho món ăn. Khi ăn sống, ớt Aji Charapita có vị hoa quả tươi ngon giúp món salad hoặc các loại sốt có hương vị mới lạ hơn hẳn. Ở nước ngoài, ớt Aji Charapita được xem như một gia vị quý, cung cấp hàm lượng Vitamin C cao gấp nhiều lần ớt thường. Khi ăn, ớt Peru cay nồng, thơm mùi trái cây, đọng vị lâu ở lưỡi.
Nổi tiếng vì nó có độ cay hơn hẳn những giống ớt thông thường, độ cay của giống ớt Charapita có thể lên tới 30.000 – 50.000 độ cay Scoville (Scoville là thang đo độ cay, biểu thị mức độ cay của các loại ớt, do hợp chất Capsaicin có trong quả ớt tạo nên).
Năm 2012, ớt Peru được du nhập vào thị trường Việt Nam và được hét giá lên đến 500 triệu đồng 1 kg trái. Nhưng mãi đến năm 2020, khi một nông dân tại tỉnh Lâm Đồng đã trồng tốt được giống này thì Ớt Chaparita mới thật sự được nhiều người biết đến.
Tại một số quốc gia, giá của loại ớt này được bán cho các nhà hàng cao cấp tới 25.000 USD (khoảng 560 triệu đồng) một kg. Thậm chí, có thời điểm giá bán ớt Aji Charapita lên tới 35.000 USD (hơn 800 triệu đồng).
Cây ớt Charapita có tuổi thọ dao động 1-2 năm, có sức sống mạnh mẽ và kháng sâu bệnh tốt. Cây cho trái thường xuyên, quanh năm. Cây trồng tốt ở điều kiện khí hậu mát mẻ như Lâm Đồng, Bảo Lộc,… lẫn khí hậu nóng, nắng gắt như TPHCM, Vũng Tàu,..
Nông dân thu tiền tỷ nhờ cây ớt
Anh Đậu Văn Cường đã di thực, phát triển được hơn 10.000 cây ớt Aji Charapita có nguồn gốc từ Peru |
Anh Đậu Văn Cường, ở thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, đã di thực được loại cây trồng này về phát triển ở địa phương với số lượng hơn 10.000 cây.
Theo anh Cường, giá ớt Aji Charapita quá đắt đỏ, là món hàng xa xỉ mà nhiều người dân bình thường ở Việt Nam khó lòng được thưởng thức. Với truyền thống là con nhà nòi làm nông dân, kết hợp với những kiến thức chuyên môn của một cử nhân chuyên ngành nông lâm nghiệp nên anh Cường đã quyết tâm nghiên cứu cách di thực loại ớt đắt đỏ bậc nhất thế giới này về trồng ở Đắk Nông.
Đã nghĩ là làm, anh Cường mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ ở vườn nhà. Từ khi khảo sát, kết quả loài ớt này phát triển tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu của Đắk Nông.
"Cây ớt khi được trồng ở Đắk Nông rất phù hợp nên đã phát triển nhanh, mạnh và cho nhiều quả. Đó là lý do tôi quyết định mở rộng vườn ớt lên 10.000 cây và lớn hơn nữa" - anh Cường khẳng định.
Với những thành công ngoài mong đợi này, hiện tại, anh Cường đang nỗ lực xây dựng thương hiệu ớt Aji Charapita Châu Giang tại Đắk Nông. Theo anh Cường, để chiếm được lòng tin của khách hàng, anh đã chú trọng quy trình sát xuất sạch, bài bản từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch… bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Do ớt Aji Charapita của anh Cường có chất lượng tốt nên các công ty ở Dubai đang tìm hiểu, xây dựng mối liên kết, tiêu thụ mặt hàng này vào lãnh thổ của mình.
"Do việc phát triển loại ớt này mới chỉ bước đầu nên mỗi năm tôi cung ứng cho thị trường khoảng 500kg với mức giá khoảng 5 triệu đồng/kg ớt tươi. Sắp tới, tôi sẽ quyết tâm sẽ mở rộng diện tích để xây dựng mối liên kết xuất khẩu bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động trong gia đình, địa phương"- anh Cường khẳng định.
Anh Dũng khởi nghiệp với mô hình trồng các loại ớt độc, lạ, trong đó có ớt Aji Charapita |
Cũng có niềm đam mê với cây ớt độc lạ, năm 2018, anh Lê Tiến Dũng (Đạ Tẻh, Lâm Đồng) bắt đầu nhập ớt Aji Charapita về trồng để làm gia vị cho mỗi bữa ăn của gia đình và dành tặng cho bạn bè người quen.
Khi đăng lên mạng khoe, anh nhận được rất nhiều câu hỏi và ngỏ ý muốn mua loại quả này. Từ việc mua quả, nhiều người muốn mua giống về tự trồng tại nhà để tiện cho việc sử dụng.
Khi bán hàng trên mạng và trên các sàn TMĐT, anh nhận ra được tiềm năng rất lớn từ các loại ớt. Từ việc đam mê, sưu tầm và ăn cay, rất nhiều người muốn trồng nhưng lo ngại chung là không tìm được giống ớt chuẩn. Bởi khi mới vào nghề, anh cũng từng bị lừa rất nhiều, mua cả trăm giống ớt nhưng khi về trồng chỉ toàn ra ớt chuông và ớt chỉ thiên.
Hiện, trong vườn nhà anh đã có gần 100 giống ớt các loại và số lượng trên 1000 cây.
“Những giống ớt độc, lạ, tôi thường sưu tầm về sau đó nhân giống và bán lại cho khách hàng trên toàn quốc và nước ngoài. Tôi chủ yếu bán giống và ít quả ớt thu hoạch tại vườn hoặc các vườn liên kết. Khách hàng đều phải đặt trước cả tháng mới có để gửi. Ngoài hạt giống, cây giống, anh còn cung cấp cả cây trưởng thành, tương ớt, sa tế anh tự làm”, anh nói.
Trong đó, một số giống ớt lạ anh trồng như: Candelight Var, Candelight Mutant, White BBG, Jes Morangum Orange, Naga colt Twister Black.... Và những dòng thơm và cay nhất thế giới như. Carolina Reaper, Trinidad Moruga Scorpion, 7 Pot Caramel, Adrenaline.....
Mỗi cây giống ớt sẽ có giá dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/cây, cây khoảng 2-2,5 tháng tuổi. Giá bán này sẽ tùy thuộc vào số lượng mua của khách.
Hiện anh có 2 vườn, một vườn chính rộng 500m2 chuyên sản xuất giống và một vườn rộng 130m2 để thu quả. Vườn thu quả sẽ được trích một phần để gây quỹ từ thiện cho các em nhỏ khó khăn quanh vùng.
Nguồn thu của anh chủ yếu là ở vườn cây ớt bán giống. Có những ngày, anh cho biết bán được cả trăm đơn với mức thu nhập lên đến 20-30 triệu đồng. Chia trung bình, anh thu nhập không tháng nào dưới 40 triệu đồng.
Anh Lê Sỹ Tân ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bén duyên với trái ớt Aji Charapita |
Ngược ra vùng đất miền Trung đầy nắng và gió, anh Lê Sỹ Tân ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng là người thành công với mô hình trồng ớt Aji Charapita.
Năm 2018, anh Lê Sỹ Tân sau khi du học trở về được người quen giới thiệu về giống ớt Aji Charapita, hay còn gọi là ớt Peru. Anh Tân kết hợp cùng với anh Trương Văn Thủy, trú tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng trang trại rộng 1ha tại thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân để trồng giống ớt Peru.
“Thời gian đầu do kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chưa có nên thất bại, nhưng sau khi hiểu rõ về chúng thì nó đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, nếu chăm sóc tốt, 1 cây có thể cho thu hoạch 4-5kg quả/năm. Đây là loại ớt có thể cho quả 4 mùa nên ai biết cách chăm bón đầy đủ sẽ cho năng suất cao”, anh Tân chia sẻ.
Cũng theo anh Tân, mỗi năm vườn ớt Peru đạt năng suất khoảng 400 kg, với giá bán hiện tại là 1 triệu đồng/kg, nhà vườn sẽ bỏ túi hơn 300 triệu đồng, sau khi từ chi phí. Sau khi thu hoạch, anh Tân sẽ đóng gói và nhập hàng cho các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM,… Còn với người dân nội tỉnh, anh bán 700.000 đồng/kg.
“Ở nước ngoài, ớt Aji Charapita như một gia vị xa xỉ, tôi bán cho bà con rẻ hơn giá thị trường vì muốn người dân ta ai cũng được thưởng thức loại ớt quý hiếm này. Nếu bán đắt thì họ không có tiền mua”, anh Tân lý giải.
Quảng bá nông sản Việt tại Hội chợ Ớt quốc tế Rieti |
Ớt tươi Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang Trung Quốc |
Trồng giống ớt đắt nhất thế giới, chàng trai Hà Tĩnh bỏ túi 300 triệu đồng mỗi năm |