Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 đã xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, ngày 21/7/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản.
![]() |
Năm 2021, phấn đấu có 50% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản/gian hàng trên sàn và có tài khoản thanh toán điện tử |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) phổ biến, hướng dẫn triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT.
Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel.
Tham gia sàn thương mại điện tử, các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đăng ký, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Bên cạnh đó, các hộ sản xuất nông nghiệp còn được cung cấp những thông tin hữu ích về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón; cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp; có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu vật tư đầu vào trên sàn thương mại điện tử.
Phấn đấu trong năm 2021, 70% hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và hoạt động trên không gian mạng; 60% hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói kết nối - giao nhận; 50% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản/gian hàng trên sàn và có tài khoản thanh toán điện tử…
Thảo luận tại Hội nghị, các địa phương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo tổ chức tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng, cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; có biện pháp giải quyết tình trạng đứt gãy khâu vận chuyển đến người mua đối với những thị trường chủ lực đang thực hiện giãn cách xã hội; có phương án tiêu thụ nội tỉnh, liên tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất nông nghiệp…
Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ, mua bán nông sản nhanh chóng, thuận tiện, nhất là trong bối cảnh hạn chế đi lại, vận chuyển do dịch bệnh Covid -19.