Thông tin này vừa được lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao xác nhận ngày 12/8.
Di sản phi vật thể tri thức này thuộc về nhóm cộng đồng
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, hồ sơ này đã được gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ hơn 2 năm trước và đến hôm nay việc công nhận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là tin vui với những người hoạt động trong nghề may, đo áo dài ở Huế.
Theo ông Hải trước đó khi làm hồ sơ đã đề xuất 2 tiêu chí: “Nghề may đo áo dài Huế” và “tập quán sử dụng áo dài của người Huế”.
Tuy nhiên, khi công nhận với cái tên “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đã khiến nhiều người băn khoăn.
Ông Phan Thanh Hải cho biết có thể hiểu rằng quyết định này công nhận tri thức về nghề may đo và cách mặc áo dài truyền thống của nghệ nhân, người dân ở TP Huế là một di sản văn hóa phi vật thể.
Giải thích cho việc công nhận di sản này chỉ gói gọn trong phạm vi TP Huế mà không phải toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hải lý giải rằng di sản phi vật thể tri thức này thuộc về nhóm cộng đồng chứ không phải thuộc về quốc gia, dân tộc.
Khi làm hồ sơ, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế bàn đầu dự định đề nghị công nhận di sản may đo áo dài truyền thống ở phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên sau khi rà soát lại, sở xác định nghề may đo áo dài truyền thống của nhóm cộng đồng, tri thức dân gian chủ yếu nằm tập trung ở 36 phường, xã của TP Huế. Các địa phương khác cũng có hoạt động may đo áo dài truyền thống nhưng rất ít.
Thực chất đây là tri thức về nghề, về tập quán và cách sử dụng áo dài truyền thống của người Huế.
"Trong quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có giải thích gì thêm cụ thể về các thuật ngữ ghi trong quyết định.
Chắc chắn chúng tôi sẽ có một quá trình làm rõ thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu và từ đó lan tỏa về di sản văn hóa phi vật thể này", ông Hải nói.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững
Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất của cả nước. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp Tết...
Nói thêm về các hiệu may đo, theo ông Hải tập trung nhiều ở các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Có thể kể đến những nhà may áo dài Huế nổi tiếng, như Tân Nghiệp, Minh Tân, Mỹ Lệ, Thẩm, Hùng, Đoan Trang, Phúc, Thảo Trang, Viết Bảo, Quang Hòa, Thanh Châu, Xuân Thi, Phương Hoa, Thùy Trang, Cuộc, Trương Anh Hào, Bích Thủy, Hồng Đào, Đan Phương, Tuấn, Minh Tiến, Anh Bảo...
“Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế”, ông Hải nói.
Áo dài Huế còn là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch. Nhiều điểm may, đo, cho thuê áo dài phát triển mạnh trong thời gian qua, từ đó tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các nghệ nhân và người lao động.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2023, tỉnh đã phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô áo dài”. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài.
Ông Hải cho rằng, tỉnh đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững và áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng.
“Việc phát triển thương hiệu áo dài Huế ra nước ngoài không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là kênh quảng bá văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất. Đồng thời, áo dài cũng là vật phẩm lưu niệm đầy ý nghĩa dành cho khách du lịch quốc tế và những người yêu văn hóa Việt, là niềm tự hào và hãnh diện của người Việt Nam khi giới thiệu đến bạn bè thế giới”, ông Hải khẳng định khi áo dài được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với tên gọi “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.