Thực phẩm bảo vệ sức khỏe/Thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều gian thương đã quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN như thuốc đặc trị, “thần dược”, thậm chí sử dụng cả chiêu trò gọi điện tự xưng là bác sĩ để tư vấn lừa bán TPCN khiến nhiều người lâm vào "cảnh tiền mất, tật mang" và cướp đi cơ hội điều trị đúng cách, kịp thời của người bệnh. Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, tình trạng quảng cáo TPCN sai sự thật hiện nay đang diễn ra tràn lan trên mạng internet, tập trung vào nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, như sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng sinh lý, sản phẩm liên quan tới các bệnh về xương khớp, da liễu,… Đặc điểm chung của các quảng cáo này cơ bản là vi phạm các lỗi như: - Quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung của cơ quan y tế; - Quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định; - Mượn hình ảnh của nhân viên y tế và lời cảm ơn của bệnh nhân, các nghệ sĩ, diễn viên để quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm… Bộ Y tế cùng các ngành liên quan thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn các sai phạm này, ngoài xử lý theo quy định của Nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục ATTP, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm vẫn diễn tiến ngày càng tinh vi, phức tạp. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng ATTP nhiều lần cho biết: Việc lừa dối, quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Người dân cần nêu cao cảnh giác, khi có bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị sớm, không nên tự ý mua thuốc hay các sản phẩm TPCN quảng cáo trôi nổi. Thực hiện tuyến bài góp phần chấn chỉnh vấn nạn này, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm trân trọng thông tin tới độc giả bài phản ánh về hiện trạng TPCN Khang Cốt Đơn đang được quảng cáo tràn lan tại nhiều trang điện tử khác nhau, có dấu hiệu trái luật, lừa dối người tiêu dùng! |
Nhiều dấu hiệu sai phạm trong quảng cáo TPCN Khang Cốt Đơn |
Sử dụng hình ảnh Y, Bác sĩ,... thổi phồng công dụng sản phẩm như thuốc trị bệnh
Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 8796/2019/ĐKSP ngày 11/7/2019 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo Số: 01645/2019/ATTP-XNQC ngày 15/8/2019 của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cấp cho sản phẩm Khang Cốt Đơn, cho thấy: Khang Cốt Đơn là thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Edégis Pháp (Địa chỉ: Số 11C2, khu A71 Bộ Công an, P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), sản xuất tại Công ty CP Liên doanh Dược mỹ phẩm Diamond Pháp và được phân phối bởi Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An.
Là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Khang Cốt Đơn có công dụng theo đăng ký: Hỗ trợ giúp bổ xung dưỡng chất cho khớp, hỗ trợ tái tạo mô sụn giúp khớp vận động linh hoạt, hỗ trợ giảm thoái hóa khớp, giảm đau mỏi xương khớp.
Tuy nhiên, hiện nhiều website đang quảng bá, tư vấn, chào bán sản phẩm Khang Cốt Đơn trên môi trường mạng như: khangcotdon.club/khangcotdonchinhhang2020, khangcotdon.com.vn, khangcotdon.win, khangcotdon.vn, khangcotdon.net, khangcotdon.com,… hầu hết đều sử dụng ngôn từ khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có tác dụng như thuốc trị bệnh.
Quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh (Ảnh chụp màn hình) |
Truy cập http://www.khangcotdon.club/khangcotdonchinhhang2020, trang này “khoa trương”: “Khang Cốt Đơn – Giải pháp hỗ trợ điều trị tận gốc các xương khớp số 1 hiện nay, … là giải pháp hoàn hảo cho bạn… không chỉ tiêu diệt mầm bệnh, sản phẩm còn bình can, bổ thận, khu phong tán hàn, trừ thấp và bổ khí hành huyết…”.
Hoặc tại https://www.khangcotdon.net/, trang này cũng “nổ” không kém khi quảng cáo: Sản phẩm là “Giải pháp vàng cho bệnh xương khớp, hỗ trợ điều trị tại nhà, an toàn,… hiệu quả sau 7 ngày;… khác biệt sau 1 liệu trình sử dụng, Khang Cốt Đơn hỗ trợ điều trị… bằng phương pháp ‘trong uống ngoài xoa’ giúp loại trừ gốc rễ căn nguyên của bệnh và ngăn ngừa tái phát lại”.
Sử dụng hình ảnh Y, Bác sĩ để quảng bá cho sản phẩm (Ảnh chụp màn hình) |
Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng ngôn từ dễ gây hiểu lầm nhằm tâng bốc sản phẩm, các trang này còn đặc biệt sử dụng nhiều video clip, hình ảnh, danh tính của các chuyên gia y tế, y bác sĩ đầu ngành (như: Bác sĩ Hoàng Khánh T - Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện 108; Bác sĩ Vũ Thị Khánh V - Trưởng khoa Viện Y học cổ truyền Quân đội; Bác sĩ, Đại tá Hòa L - Chủ nhiệm Khoa nghiên cứu thuốc Cục Quân y, Bộ Quốc phòng; Bác sĩ Nguyễn Thị S - Giảng viên Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh) và nội dung chia sẻ của người bệnh để tuyên truyền, quảng cáo cho sản phẩm.
Truy cập https://www.khangcotdon.com.vn/, tại mục có tên khá kêu “Nhân chứng sống trong cuộc chiến với bệnh xương khớp”, trang này đăng tải nhiều hình ảnh, clip chia sẻ của người bệnh và trích lược cảm nhận của nhiều bệnh nhân sau khi sử dụng sản phẩm như: Cô Lê Thị T, sống tại Hải Phòng với nội dung: Bệnh phình đĩa đệm đeo bám cô đã lâu, khiến việc cô đứng lên, ngồi xuống rất khó khăn. Tình cờ tìm hiểu và tin tưởng theo dùng Khang Cốt Đơn cô đã thuyên giảm tình trạng tới 80%,...
Dấu hiệu coi thường pháp luật
Trong tư cách khách hàng bị gai cột sống, Phóng viên (PV) liên hệ đến số điện thoại 0914.948.810 đăng tải tại https://www.khangcotdon.com.vn/, nghe máy là 01 nữ nhân viên, sau khi hỏi qua tình trạng bệnh của khách, người này cho biết sẽ chuyển thông tin cho “các bác bên phòng khám” để gọi lại tư vấn cho PV.
Khoảng 10 phút sau, PV nhận được cuộc gọi từ số liên lạc 034.6982.xxx, người này tự xưng là Nguyễn Văn V, sau quá trình hỏi - tư vấn bệnh như “Bác sĩ”, người này cho biết, liệu trình uống trong vòng 1 tháng là 2 hộp giá 1.500.000đ, điều trị 2 tháng là 4 hộp giá 3.000.000đ, liệu trình đầy đủ 3 tháng là 6 hộp giá 4.500.000đ – nếu mua liệu trình đầy đủ 3 tháng sẽ được giảm giá 20%, tặng kèm 01 lọ Bảo An khớp và 01 lọ bổ xung can xi,… khách đặt mua hàng sẽ được giao tận nơi. Nhưng khi được PV hỏi kỹ về trình độ chuyên môn (chuyên khoa thăm khám), ông V cho biết, chỉ là chuyên viên tư vấn dược, trên 10 năm kinh nghiêm,… (?!)
Làm việc, trao đổi với PV về thực trạng các trang mạng đang quảng cáo TPCN Khang Cốt Đơn có dấu hiệu trái quy định nêu trên, ông Trịnh Tuấn Anh – Giám đốc Cty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An (đơn vị phân phối sản phẩm) xác nhận, cho biết trang khangcotdon.com.vn và khangcotdon.com là website của công ty, các trang còn lại có thể của các đại lý, khi nào xác mình được sẽ báo lại PV.
Tại một diễn biến khác, khi tìm hiểu về Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Edégis Pháp, thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm Khang Cốt Đơn, dữ liệu thu thập được từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho thấy doanh nghiệp này đã đóng mã số thuế từ ngày 16/09/2020, đến nay đã gần 1 năm (?!)
Đáng nói từ cuối năm 2020, đã có nhiều cơ quan báo chí thông tin phản ánh về thực trạng quảng cáo nhiều dấu hiệu sai phạm của TPCN Khang Cốt Đơn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, các quảng cáo này đến nay vẫn “hiên ngang” tồn tại, như thách thức dư luận. Phải chăng, các tổ chức, cá nhân liên quan đang “nhờn luật”, vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng, sức khỏe người dân?