Công ty Rạng Đông vi phạm về thuế, bị xử phạt và truy thu gần 5,3 tỷ đồng Công bố lợi nhuận "ảo", Rạng Đông Holding bị xử phạt Công bố lợi nhuận "ảo" Rạng Đông Holding bị xử phạt? |
5 thành viên Hội đồng Quản trị của Rạng Đông từ chức
Ngày 24/2, Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (RDP) thông báo đến Ủy ban Chứng khoán về việc nhận được đơn từ nhiệm của toàn bộ 5 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam cùng 4 thành viên khác, gồm ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Lam), ông Hồ Văn Tuyên, ông Nguyễn Trần Vinh và ông Bùi Đắc Thiện, đã đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm.
![]() |
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông. Ảnh: RDP |
Trong đơn, ông Hồ Đức Lam cho biết không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ do lý do cá nhân. Ông Bùi Đắc Thiện cũng viện dẫn công việc cá nhân bận rộn khiến ông không thể thu xếp thời gian. Các thành viên còn lại cũng đưa ra lý do tương tự cho quyết định rời vị trí.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông Hồ Đức Lam là cổ đông lớn nhất của Rạng Đông Holding, nắm giữ 15,87% vốn, trong khi con trai ông, ông Hồ Đức Dũng, sở hữu 0,13%.
Ông Lam, sinh năm 1962, bắt đầu làm việc tại Nhựa Rạng Đông từ năm 1989 và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ năm 2005. Bên cạnh đó, ông còn giữ vai trò lãnh đạo tại các công ty con như Nhựa Rạng Đông Long An, Rạng Đông Films, Rạng Đông Healthcare…
Trước khi từ nhiệm, báo cáo quản trị công ty cho thấy các thành viên HĐQT khác chỉ sở hữu lượng cổ phần rất nhỏ hoặc không nắm giữ cổ phần nào.
Ngoài ra, ông Hồ Đức Lam còn là em trai của bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bà Thoa bị khởi tố và truy nã từ tháng 7/2020 để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Rạng Đông Holding khủng hoảng do đâu?
Toàn bộ Hội đồng Quản trị đồng loạt rời đi trong bối cảnh doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Giữa tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) tiếp tục nhắc nhở Rạng Đông Holding (RDP) lần thứ hai về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2024 (cả công ty mẹ và hợp nhất) cùng báo cáo tình hình quản trị năm 2024. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã trễ hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên và quý III/2024.
![]() |
Trụ sở của Rạng Đông Holding tại quận 11, TP HCM. Ảnh: RDP |
Hiện cổ phiếu RDP vẫn bị đình chỉ giao dịch từ ngày 28/11 năm trước do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin. Nếu tiếp tục không hoàn thành các nghĩa vụ báo cáo, công ty có thể đối mặt với các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn từ cơ quan quản lý. Theo quy định hiện hành, mức chế tài cao nhất đối với vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin là bị hủy niêm yết bắt buộc.
Ngoài ra, RDP còn bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2023 trên báo cáo tài chính riêng tự lập quý IV/2023 và báo cáo tài chính hợp nhất tự lập cùng kỳ.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý IV/2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 17,3 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán, con số này chuyển thành lỗ 117,6 tỷ đồng. Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 trước kiểm toán cho thấy lãi 26 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán lại báo lỗ 146,7 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, Rạng Đông Holding đã đối mặt với khoản lỗ gần 147 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn có lãi 12,5 tỷ đồng. Đây cũng là năm công ty thua lỗ nặng nhất kể từ năm 2017.
Hội đồng Quản trị lý giải nguyên nhân chính của tình trạng này là do sức mua suy giảm, công ty phải trích lập dự phòng lớn, làm tăng chi phí tài chính và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, để duy trì dòng tiền, công ty đã đẩy nhanh việc luân chuyển hàng tồn kho, điều này cũng tác động tiêu cực đến lợi nhuận.
Không chỉ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, năm 2023, Nhựa Rạng Đông còn phải bồi thường hơn 178 tỷ đồng sau khi thua kiện Sojitz Planet - đối tác chiến lược cũ - về hợp đồng mua bán cổ phần.
Nhằm khắc phục tình trạng thua lỗ, ban lãnh đạo đặt ra các giải pháp như thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi công nợ, đẩy mạnh hoạt động bán hàng và đàm phán với ngân hàng để mở rộng hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, công ty cũng tìm cách cơ cấu lại lịch thanh toán nợ với đối tác.
Tuy nhiên, tình hình tài chính vẫn tiếp tục lao dốc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Rạng Đông Holding đạt 753 tỷ đồng doanh thu, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Do chi phí giá vốn cao, lợi nhuận gộp chỉ còn 22 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí hoạt động và lãi vay, công ty lỗ sau thuế gần 65 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến hết tháng 6/2024 lên 266 tỷ đồng.
Ngoài ra, Rạng Đông Holding còn đối mặt với áp lực nợ nần chồng chất. Đến cuối quý II/2024, tổng nợ phải trả của công ty đã lên tới hơn 1.700 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (279 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công ty còn bị chính công ty con – Công ty cổ phần Rạng Đông Films – gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa án Nhân dân TP HCM. Tòa án đã chính thức thụ lý đơn vào đầu năm nay.
Rạng Đông Holding thành lập từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, cổ phần hoá năm 2005 với tên gọi Nhựa Rạng Đông, từng là một trong những biểu tượng của ngành nhựa. Giai đoạn trước năm 2023, ngoại trừ năm 2017, doanh nghiệp liên tục duy trì trạng thái làm ăn có lãi. Năm 2019, thời điểm chuyển sang mô hình holding và đầu tư thêm bất động sản, khu công nghiệp, Rạng Đông Holding thậm chí còn lập đỉnh lợi nhuận.
![]() |
![]() |
![]() |