Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, Hợp tác xã nông nghiệp theo dõi chặt chẽ tình hình sinh trưởng của lúa ở địa phương để có kế hoạch tổ chức thu hoạch từng vùng, từng chân ruộng với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; có phương án cụ thể để huy động tối đa công suất máy gặt để thu hoạch nhanh gọn, lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó, phấn đấu thu hoạch cơ bản xong trước ngày 05/9/2021. Đồng thời tranh thủ thu hoạch cây sắn, rau màu,… ở các vùng thấp trũng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do ảnh hưởng thiên tai gây ra. Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thừa Thiên Huế thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ Hè Thu 2021 (ảnh minh họa) |
Song song đó, các địa phương khẩn trương rà soát lượng máy gặt hiện có tại chỗ và có phương án sắp xếp, bố trí máy gặt hợp lý; vùng nào có trà lúa chín trước thì tập trung thu hoạch trước. Có kế hoạch để chủ động huy động các lực lượng tại cơ sở (thanh niên xung kích, dân phòng, lực lượng quân đội, công an,...) sẵn sàng giúp người dân thu hoạch lúa kịp thời đối với những vùng thực hiện giãn cách xã hội theo quy định, những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong quá trình triển khai thực hiện lưu ý đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm,…) trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ. Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, tổ chức kiểm tra hệ thống kênh mương, gia cố đê bao nội đồng, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc để chủ động tiêu úng, xử lý kịp thời khi có mưa lớn xảy ra nhằm hạn chế ngập úng gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Đối với vùng thấp, xung yếu, cần tôn bờ vùng; những vùng có bờ bao thấp cục bộ, cần tôn cao để ngăn lũ sớm.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh về tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông để có biện pháp xử lý; các thông tin phản ánh được chuyển trực tiếp cho Lãnh đạo UBND cấp huyện, xã để được xử lý kịp thời.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng để người dân biết và tự giác chấp hành. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền.
Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết; thông báo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thu hoạch lúa kịp thời; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh các nội dung nêu trên theo đúng quy định.
Đồng thời, Công văn cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2021 và tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT để tổng hợp).
Vụ Hè Thu năm 2021 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế gieo cấy khoảng 25.531 ha lúa, diện tích lúa đã thu hoạch đến nay khoảng 10.000 ha, hiện nay các địa phương đang tiến hành thu hoạch đại trà, dự kiến diện tích thu hoạch sau ngày 05/9/2021 khoảng 1.500 ha tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Lộc, A Lưới, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, thành phố Huế. Bên cạnh đó, qua theo dõi, hiện nay tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. |