![]() |
Trồng cây lấy cành lá trang trí giúp kinh tế của gia đình chị Bùi Thị Thanh Thủy ổn định hơn |
Chị Bùi Thị Thanh Thủy, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Đà Lạt) đã phá bỏ diện tích hơn 6 sào cà phê già để trồng các loại cây lá cảnh như đô la, đuôi chồn, chanh, tùng nho... Chị đã liên kết tiêu thụ với Công ty Dolly (xã Xuân Thọ) và có thu nhập cao, ổn định.
Chị Thủy giới thiệu, gia đình chị có 6 sào đất chuyên trồng các loại cây lấy lá phục vụ các vựa hoa Đà Lạt, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Các loại lá như tùng đuôi chồn, tùng nho, đô la, lá chanh, được chăm sóc dưới hệ thống tưới phun sương tự động, mang lại cho gia đình thu nhập ổn định hơn 2 năm nay.
Chị kể: “Ban đầu gia đình tôi biết đến cây đô la thông qua một người bạn làm shop hoa ở Đà Lạt. Nhận thấy diện tích cà phê của gia đình quá ít, thu nhập hằng năm không đáng bao nhiêu, năm 2019, tôi quyết định thuê máy múc nhổ cây cà phê, nhặt bỏ, thu gom, tiêu hủy sạch rễ cây, sau đó thuê máy cày về xới xáo cho đất thật tơi xốp và nhập 100 cây giống đô la của công ty Dolly về trồng thử với giá cây giống 80.000 đồng/cây. Diện tích còn lại trồng la ghim. Sau một năm trồng, cây đô la bắt đầu cho thu hoạch với giá 100.000 đồng/kg, thấy hiệu quả tôi trồng tiếp 300 cây, và đến nay đã phủ xanh 6 sào vườn bằng 1.400 cây đô la”.
Để có được vườn cây lá cảnh như ngày hôm nay, chị Thủy đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư. Dưới tán cây đô la, chị trồng thêm 20.000 chậu đuôi chồn, lá chanh, tùng nho, chị vừa gầy giống vừa tìm đầu mối thu mua. Cây tùng nho, đuôi chồn, lá chanh được Công ty Dolly thu mua với giá ổn định, còn với đô la thì các vựa hoa ở Đà Lạt, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận lấy hàng ổn định. Vừa làm vừa mở rộng diện tích, từ 1 sào ban đầu hiện chị đã có 6 sào chuyên trồng lá trang trí cung cấp cho thị trường.
Chị Thủy cho biết, trồng lá cảnh không khó. Như nhà chị chủ yếu canh tác đô la, tùng nho, đuôi chồn… các loại qua nhiều năm, chị nhận thấy cây lấy lá thường rất ít bệnh tật. Thời gian thu hoạch lại dài, từ 6-7 năm mới phải thay cây mẹ. Quan trọng là khi canh tác, cần cung cấp dưỡng chất một cách bền lâu, đất yêu cầu tơi xốp. Vì vậy, khi làm đất xuống giống, chị sử dụng lượng lớn phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ làm phân bón lót. Khi cây lớn, để cho cây phát triển khỏe, sau mỗi lần cắt cành cần bón phân NPK có hàm lượng N cao hơn P, K, có đầy đủ chất trung, vi lượng; phân chuồng ủ mục một năm cần bón từ 1-2 lần, tốt nhất là phân bò ủ cùng Tricoderma, sâu bệnh rất ít, chỉ có đối tượng sâu cắn lá, khi phát hiện thì phun thuốc sinh học phòng trừ. Các loại cây được trồng lấy cành lá hợp đất xốp, hợp phân hữu cơ và gần như ít phải sử dụng phân hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại nên người nông dân rất an tâm về sức khỏe của mình.
Trồng cây lấy lá rất ổn định, trồng theo hợp đồng, giá có trước nên nông dân sản xuất bao nhiêu sẽ ước tính được thu nhập của mình. Tùy thuộc vào chiều cao và chất lượng sản phẩm được phân loại A, B, C nhưng trung bình giá đô la 100.000 đồng/kg, tùng nho 8.000 đồng/cành, đuôi chồn 1.500 đồng/cành, lá chanh 1.000 đồng/cành, trừ mọi chi phí phân tro, chị thu về 200 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần trồng cà phê. Những năm về sau, khi cây đã đạt tuổi trưởng thành và ổn định thu nhập sẽ còn cao hơn nữa, chị Thủy ước thu nhập khoảng từ 30- 40 triệu đồng/tháng.
![]() |
Vợ chồng anh Hiếu, chị Như bên nông trại trồng cây lấy lá, lấy cành cho thu nhập tiền tỷ ở xã Lộc Ngãi |
Cũng triển khai mô hình trồng cây lấy lá, lấy cành như chị Thuỷ, gia đình anh Trần Đức Hiếu và chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Như tại Thôn 6, xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm) có thu nhập cao.
Từng theo học Tài chính - Thương mại tại Đại học LaTrobe của Úc nhưng chị Như đã quyết tâm quay về quê hương, làm giàu bằng nông nghiệp. Chị Như tâm sự: “Có đi rồi mới thấy điều kiện canh tác nông nghiệp ở vùng sa mạc, bán sa mạc khó khăn đến nhường nào, nhưng ở đó, người ta áp dụng khoa học kỹ thuật cao nên cây cối xanh tốt, cho hiệu quả cao. Ở mình thì đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hoà, vô cùng thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp”.
Nói là làm, bắt tay vào khởi nghiệp, chị Quỳnh Như trồng 1 sào cây cho lá, cành ở phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc), rồi tăng lên 6 sào, 7 sào, 8 sào ở xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc). Qua thực tiễn, chị Quỳnh Như cho rằng, trong làm ăn, nhất là làm nông nghiệp, nếu cứ manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ thì hiệu quả kém, may mắn lắm chỉ ở mức “đủ ăn”, chả mấy lời lãi.
Cùng với gia đình, chị Như đã quyết tâm chọn vùng đất xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm để đầu tư, trồng cây lấy lá, lấy cành để cung cấp cho thị trường. Biết bao nhiêu gian nan, vất vả từ ngày đầu khởi nghiệp trên diện tích vỏn vẹn chỉ 1 sào đất, đến nay, chị đã thành công với các loại cây này trên 3,6 ha.
Hiện tại, mảnh đất của chị Như chia làm ba phần gồm nhà kính, nhà lưới, đất trồng tự nhiên. Trên 20 loại cây cho lá, cành như: tùng nho, dương xỉ, lá chanh, trầu bà, kim giao, quế thái, đuôi chồn, tùng kim ý, đô la, lá táo, vảy rồng, sỷ phụng… đã mang lại thu nhập mỗi tháng từ 15 đến 20 triệu đồng/1.000 m2. Ngoài phục vụ nhu cầu thị trường ở địa phương, chị Quỳnh Như còn cung cấp sản phẩm cho các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…
Để phát triển nông trại quy mô này, vợ chồng anh Trần Đức Hiếu luôn có sự phân công, hỗ trợ nhau trong công việc. Anh Hiếu là người trực tiếp quản lý trung tâm điều hành thông minh của nông trại, trang thiết bị, xe, máy. Anh cho biết: Ngày đầu khởi nghiệp với 1 sào đất cũng lắm gian nan, vất vả, cây trồng không mang lại hiệu quả nhưng vợ chồng cũng cố gắng san sẻ, động viên nhau để có được ngày hôm nay, đến nay, nông trại đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh với tổng chi phí khoảng 12 tỷ đồng. Một số loại cây trồng, nông trại đã chủ động được việc tạo giống, nhờ vậy giảm được chi phí, tăng hiệu quả, thu nhập cho gia đình.