Thị trường lúa gạo giao dịch sôi động phiên đầu tuần. |
Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại
Cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 18/3 cho thấy, giá gạo tiêu chuẩn của 5% tấm của Việt Nam ghi nhận tăng 13 USD/tấn, lên mức 597 USD/tấn.
Cùng đà tăng có gạo của Pakistan, theo đó gạo cùng phẩm cấp của quốc gia này tăng 4 USD, lên 603 USD/tấn. Riêng gạo của Thái Lan ngược chiều giảm 5 USD, xuống còn 610 USD/tấn.
Giải thích về xu hướng này, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết: Từ đầu tháng 3 đến nay, lượng lúa gạo hàng hóa của Việt Nam tương đối dồi dào nên giá giảm. Nhờ vậy mà sức cạnh tranh trên thị trường thế giới tăng, đặc biệt là so với gạo Thái Lan.
Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu như Indonesia, Philippines hiện cũng đang tích cực “gom hàng” để đảm bảo nhu cầu lương thực nội địa. Cụ thể với Philippines, trong báo cáo “Sản xuất nông nghiệp thế giới tháng 3 năm 2024”, USDA báo cáo rằng ước tính sản lượng gạo niên vụ 2023/24 của Philippines là 12,3 triệu tấn, giảm so với ước tính tháng 2 và giảm 3% so với cùng kỳ do thời tiết khô hạn. Năm 2024, theo nhiều báo cáo gần đây, quốc gia này dự kiến nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, tăng khoảng 600.000 tấn so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023.
Với Indonesia, năm 2024, theo ước tính nước này sẽ nhập khẩu đến 3,6 triệu tấn gạo và ngày 18/3, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã công bố mời thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm. Thời gian giao hàng muộn nhất là cuối tháng 6 năm nay. Theo các thống kê, Indonesia chủ yếu nhập khẩu gạo có xuất xứ từ Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, một quốc gia khác là Hàn Quốc mới đây vừa công bố đấu thầu quốc tế mua khoảng 100.800 tấn gạo từ Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam với thời hạn nộp hồ sơ thầu là ngày 21/3/2024 (theo một thông cáo báo chí trên trang web của Tập đoàn Thương mại Thực phẩm và Nông ngư nghiệp do Nhà nước hậu thuẫn - KAFTC). Trong đó, KAFTC mong muốn mua 77.700 tấn gạo hạt vừa từ Mỹ, 22.000 tấn gạo nâu ngắn từ Trung Quốc và 1.100 tấn từ Việt Nam, dự kiến giao hàng trong khoảng thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 1/2025.
Xây dựng thương hiệu lúa gạo giảm phát thải
Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký diện tích tham gia Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 là 70.000 ha, đến năm 2030 là 163.000 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia đề án với trên 40.000 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất, chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao.
Không chỉ An Giang hay Đồng Tháp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều rất tích cực và chủ động tham gia đề án này với mong muốn đổi mới ngành hàng trọng tâm của khu vực. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ngày càng rõ, song ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, thách thức lớn nhất là nhận thức của nông dân, doanh nghiệp. Bởi đây là đối tượng sản xuất trực tiếp trong ngành hàng lúa gạo.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết: Bộ cũng có các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, phát triển hạ tầng để thay đổi về tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp trong đề án. Ngành trồng trọt cũng sẽ hoàn thiện kỹ thuật để giảm vật tư đầu vào, giảm chi phí, giúp tăng giá trị sản phẩm;
Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào nông dân hợp tác xã để tạo động lực cho họ thay đổi nhận thức, tư duy, phương thức sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò động lực, đầu tàu trong thực hiện đề án.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ, may mắn khi tham gia đề án này là nhiều năm qua tập đoàn đã đi theo mục tiêu bảo đảm năng suất, nâng cao thu nhập, vị thế nông dân, xây dựng vùng nông thôn đáng sống và nay sẽ thêm tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính.
"Các vùng sản xuất lúa sẽ quy hoạch vào đề án đều là những vùng mà tập đoàn có quan hệ trong sản xuất, liên kết hay vùng nguyên liệu mẫu của tập đoàn. Nay, tập đoàn tham gia với tư cách làm cân bằng lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo", ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.
Ông Huỳnh Văn Thòn cũng cho biết: Tập đoàn đã nhận tham gia đề án với diện tích lúa 365.000 ha. Tại các vùng đó, tập đoàn sẽ đưa toàn bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng đến nông dân để bảo đảm về năng suất, giá sản phẩm.
Tham gia cùng tập đoàn, nông dân được đầu tư toàn bộ giống, vật tư đầu vào với tiêu chí đúng, đủ, giảm chi phí, bảo vệ môi trường. Nông dân sản xuất được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ: máy gặt, máy cày, máy cuộn rơm, máy sạ... với tiêu chí sản xuất là mặt ruộng không dấu chân. Nông dân được nợ chi phí đến cuối vụ và khấu trừ vào tiền bán lúa. Đây được gọi là tiêu chí canh tác không dùng tiền mặt của tập đoàn.
"Nhà nước mong muốn lợi nhuận cho nông dân 30%, nhưng tập đoàn luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân cao hơn con số đó rất nhiều", ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, đề án sẽ được triển khai đồng loạt với các giống lúa xác nhận, sản xuất theo hướng đa giá trị. Điều này không những đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp và dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Thực hiện đề án sẽ xây dựng được thương hiệu lúa gạo giảm phát thải để nâng cao giá trị hạt gạo Việt.
Xuất khẩu gạo năm 2024 - Cơ hội song hành cùng thách thức |
Cần làm gì để nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng có lãi? |
Giá lúa gạo đã quay đầu tăng và được dự báo khó giảm trở lại |