TPHCM: Tạm giữ 3 tấn đường tại hộ kinh doanh có dấu hiệu nhập lậu Phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá Khánh Hòa: Xử phạt một cơ sở kinh doanh đường cát nhập lậu |
Tăng cường kiểm tra, giám sát đường mía nhập khẩu |
Nhằm quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng đường mía, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng đường nhập lậu, gian lận thương mại hoặc lợi dụng các quy định về xuất xứ để trốn thuế, tính thuế không đúng quy định.
Đồng thời, Cục hải quan các tỉnh, thành phố cũng cần lưu ý trong quá trình làm thủ tục đối với các lô hàng đường nhập khẩu áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan.
Đối với hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường mía, người khai hải quan phải đáp ứng những điều kiện về giấy phép như giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc văn bản thông báo quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Bộ Công Thương cấp; Có số lượng nhập khẩu nằm trong số lượng ghi trên Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc ghi trong thông báo quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm do Bộ Công Thương công bố.
Trường hợp đường nhập khẩu đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan và có chứng từ chứng nhận xuất xứ phù hợp với quy định của Hiệp định thương mại tự do tương ứng thì được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Trước đó, cuối năm 2021, Hiệp hội mía đường Việt Nam đưa ra nghi vấn rằng có dấu hiệu “lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp” đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam thông qua nước thứ ba bằng thủ đoạn gian lận xuất xứ.
Do đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát đường mía nhập khẩu là cần thiết để tránh nhập khẩu mặt hàng đường có dấu hiệu lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời ngăn chặn tình trạng buôn lậu sản phẩm đường mía.
Được biết, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có Dự thảo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thuộc các mã HS 1701.1300, 1701.1400, 1701.9100, 1701.9910, 1701.9990, và 1702.9091 nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định việc sử dụng nguyên liệu đường từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bị cáo buộc sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ các nước bị điều tra là hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC đang áp dụng với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Khối lượng đường xuất khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sang Việt Nam đều tăng nhanh trong thời kỳ điều tra so với giai đoạn trước, trong khi đó nhập khẩu đường của 5 nước này từ Thái Lan trong cùng thời kỳ có khối lượng lớn.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 9/2020, tổng lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra chỉ bằng 17% so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, lượng nhập khẩu đã gia tăng liên tục theo từng tháng, và đến tháng 8/2021, lượng nhập nhẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã gấp gần 10,4 lần ở mức hơn 92.100 tấn so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan gần 9.000 tấn.
Cục Phòng vệ thương mại cho rằng có sự dịch chuyển và gia tăng nhanh và mạnh lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra sau khi Bộ Công Thương tiến hành điều tra đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xừ từ Thái Lan, nhất là thời điểm tháng 2/2021 ngay trước khi Bộ Công Thương tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời, mức tăng lên tới gần 14.000% và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 3 với mức tăng gần 2.600%.
Tính chung trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 8/2021, lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã tăng mạnh với mức tăng thấp nhất là 129% cho tới hơn 13.900%.
Trái ngược với xu hướng này, lượng nhập khẩu đường xuất xứ Thái Lan bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3/2021, với mức giảm là 72%. Tiếp tục các tháng sau, lượng nhập khẩu từ Thái Lan vẫn tiếp tục suy giảm và đến tháng 8/2021, lượng nhập khẩu thấp nhất với mức giảm cao nhất là 92%
"Có tồn tại thiệt hại rõ ràng của ngành sản xuất trong nước do tác động của hàng hóa nhập khẩu gia tăng rất nhanh và mạnh từ 5 quốc gia bị điều tra. Đồng thời, các chỉ số kinh tế cũng cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm rõ ràng do tác động từ đường xuất khẩu thông qua 5 quốc gia bị điều tra", Cục Phòng vệ thương mại xác định.
Do đó, cơ quan này kiến nghị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất đường từ đường thô và không chứng minh được với cơ quan điều tra có hệ thống xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu đối với mỗi lô hàng sản xuất, xuất khẩu hoặc không nộp được các chứng từ, tài liệu theo yêu cầu chứng minh lô hàng không sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Thái Lan.
"Biện pháp chống lẩn tránh không chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp mà cơ quan điều tra đã xác định có hành vi lẩn tránh trong thời kỳ điều tra mà cần được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp của 5 nước bị điều tra", Cục Phòng vệ thương mại kiến nghị.