Chiều 9/8, UBND tỉnh An Giang phối hợp Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh.
Hiện giá lúa khu vực ĐBSCL vẫn ở mức thấp, một phần vì chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (ảnh minh họa) |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT của 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, hiện nay, toàn vùng còn khoảng 3 triệu tấn lúa Hè Thu và Thu Đông sớm chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang (thành phố Cần Thơ đã thu hoạch xong lúa Hè Thu năm 2021).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, nên các tỉnh gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ, dẫn đến giá lúa tươi bán tại ruộng của bà con nông dân thấp.
Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu khép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, phía tỉnh Kiên Giang đề nghị các tỉnh cần thống nhất một số nội dung như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển lưu thông hàng hóa, vận chuyển các thiết bị, công cụ thu hoạch sản phẩm, sản phẩm nông sản của các công ty, doanh nghiệp, thương lái...được phép lưu thông hàng hóa nông sản trong khung giờ từ 18 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Đề xuất xem xét việc đăng ký cấp mã QR code cho phương tiện thương lái đi thu gom. Thống nhất mẫu giấy đi lại của nhân viên công ty, thương lái. Thông báo đường dây nóng để trao đổi, hỗ trợ trong sản xuất và kết nối tiêu thụ:
Đối với Tổng Công ty lương thực miền Bắc, tỉnh đề xuất Tổng công ty có kế hoạch phối hợp với tỉnh trong công tác thu mua lúa; trong đó, xác định cụ thể số lượng, thời gian, chủng loại giống, phương thức thu mua. Ngoài số lượng 1,1 triệu tấn lúa tỉnh Kiên Giang có thể cung cấp thì sản lượng lúa của 3 tỉnh, thành phố còn lại rất nhiều nên 4 địa phương sẽ tiếp tục liên kết cùng nhau để tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, kho bãi, nhà máy chế biến…
Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoạch, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện con người phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR mẫu gộp) còn hiệu lực. Các doanh nghiệp cập nhập danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại. Đồng thời sẽ ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…).
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ cũng thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Đồng thời kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.
Cùng với đó, tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.