13 ca COVID-19 mới: Đà Nẵng kích hoạt lại các biện pháp chống dịch Quả nhãn bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn Mỡ lợn: Từ nguyên liệu dân dã đến nguồn dinh dưỡng vàng |
Trong cuộc sống thường ngày, không ít người duy trì những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý. Một trong số đó là hành động rung chân – thói quen phổ biến nhưng ít ai hiểu rõ nguyên nhân và hệ lụy.
![]() |
Rung chân là hành vi lặp đi lặp lại như lắc chân, nhịp gót lên xuống hoặc đung đưa. |
Rung chân là hành vi lặp đi lặp lại như lắc chân, nhịp gót lên xuống hoặc đung đưa liên tục khi ngồi. Nhiều người thực hiện động tác này một cách vô thức, thậm chí không nhận ra mình đang làm điều đó.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, hành động rung chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lo âu, căng thẳng, buồn chán hoặc để giữ sự tỉnh táo, tập trung. “Bộ não kiểm soát vận động và tư duy nhận thức có những vùng chồng lấn nhau, do đó việc rung chân đôi khi giúp con người suy nghĩ tốt hơn hoặc duy trì sự tập trung trong tình huống căng thẳng”, bác sĩ Vũ lý giải.
Khi thói quen vô thức trở thành dấu hiệu bệnh lý
Mặc dù thường bị xem nhẹ, rung chân đôi không chỉ là thói quen vô thức mà có thể là biểu hiện của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo bác sĩ Vũ, nếu hành vi này diễn ra liên tục, mất kiểm soát và kèm theo các triệu chứng khác, có thể đây là dấu hiệu của các bệnh lý như:
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Những người mắc ADHD thường có xu hướng lắc chân hoặc thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại để duy trì sự tập trung.
Hội chứng chân không yên (RLS): Người bệnh có cảm giác bức bối, ngứa ran hoặc khó chịu ở chân, buộc phải di chuyển chân liên tục để giảm cảm giác này.
Bệnh Parkinson hoặc đa xơ cứng (MS): Rung hoặc các cử động không kiểm soát được có thể là triệu chứng của những rối loạn thần kinh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát vận động.
![]() |
Ngoài ra, rung chân kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp, gây mỏi cơ, tổn thương khớp hoặc dây thần kinh. |
Ngoài ra, rung chân kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp, gây mỏi cơ, tổn thương khớp hoặc dây thần kinh. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, người bị RLS có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi do nhịp tim và huyết áp tăng trước khi ngủ vì lắc chân liên tục.
Làm sao để kiểm soát thói quen rung chân?
Để khắc phục tình trạng rung chân, bác sĩ Vũ khuyến nghị người dân nên bắt đầu từ việc xác định nguyên nhân cụ thể. Một số biện pháp có thể áp dụng:
Tạo sự bận rộn cho tay hoặc não bộ: Viết vẽ nguệch ngoạc, cầm đồ chơi nhỏ, nhai kẹo cao su, hoặc sáng tác thơ, nhạc… là cách giúp phân tán sự chú ý.
Thay đổi tư thế và thư giãn: Khi cảm thấy căng thẳng, hãy điều chỉnh tư thế ngồi, hít thở sâu, thiền hoặc tập yoga.
Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lo âu và kích thích thần kinh, dễ khiến cơ thể rung chân như một phản xạ giải tỏa.
Nhận diện cảm xúc: Tự hỏi bản thân về những lo lắng đang hiện hữu để học cách phản ứng khác đi khi đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng.
Cuối cùng, bác sĩ Vũ nhấn mạnh: “Rung chân không chỉ là một cử chỉ nhỏ mang tính thói quen hay cá tính. Nó có thể là lời thì thầm từ cơ thể về một trạng thái tâm lý, một nỗi lo ẩn giấu, hoặc thậm chí là triệu chứng bệnh lý cần can thiệp. Hãy kiểm soát đôi chân trước khi thói quen nhỏ ấy làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của bạn. Nếu bạn cảm thấy việc rung chân ngày càng thường xuyên và khó kiểm soát, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời”.
Những thông tin trên là gợi ý hữu ích để bạn dần từ bỏ thói quen rung chân. Nếu bạn đang gặp phải hành vi này một cách vô thức, đã đến lúc chủ động thay đổi và áp dụng các biện pháp phù hợp để cải thiện chất lượng cuộc sống.
![]() |
![]() |
![]() |