Phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm, thiết bị y tế vi phạm Thu giữ 52 chiếc máy tạo oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ TP.HCM: Phát hiện hơn 300.000 máy tạo oxy, khẩu trang nghi nhập lậu |
![]() |
“Nóng" tình trạng nhập lậu trang thiết bị, vật tư y tế |
Nhập lậu trang thiết bị y tế...
Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID -19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nguy hiểm, có xu hướng tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại dịch COVID -19 đã và đang gây thiệt hại rất lớn đến đời sống, kinh tế xã hội của nhân dân ta, tạo ra nhiều áp lực lớn cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 của Nhà nước đặc biệt là cho khối điều trị, kéo theo đó là sự lo lắng từ người dân về khả năng đáp ứng đủ các trang thiết bị y tế như máy thở, máy tạo oxy phục vụ cho việc chữa trị trong trường hợp số ca lây nhiễm gia tăng quá mức.
Bộ Y tế cũng đã khẳng định không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế. Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở ô xy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương.
Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng quá mức nên trong thời gian vừa qua đã xuất hiện hiện tượng nhiều người tiêu dùng đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy để dự trữ và sẵn sàng dùng tại nhà.
Nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu của người dân các đối tượng đã tìm mọi cách để nhập các trang thiết bị, vật tư y tế. Đáng nói, các trang thiết bị y tế này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ về chất lượng, tiềm ẩn các nguy cơ gây hại rất cao đối với sức khỏe của người sử dụng.
Mới đây nhất, ngày 01/9/2021, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội đã phối hợp với Đội 2 thuộc Phòng an ninh kinh tế (Công an TP. Hà Nội) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại số 43 Đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra xác định tại địa điểm này đang kinh doanh hàng hóa là vật tư thiết bị y tế các loại gồm: Khẩu trang, Kính chống giọt bắn, găng tay cao su, bộ đồ bảo hộ y tế.
![]() |
Sản phẩm vật tư y tế vi phạm bị bắt giữ tại Hà Nội |
Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ trên 400.000 sản phẩm các loại gồm: 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chứ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác không rõ xuất xứ, 3300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi công ty CP đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần không rõ xuất xứ, 5.500 chiếc bao chân không rõ xuất xứ, 347.000 chiếc găng tay cao su không rõ xuất xứ). Đặc biệt, tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận 20.880 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả hiệu khẩu trang 3M.
Trước đó, ngày 28/8/2021, tại đường tránh quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải mang BKS 89H-00755 do lái xe là Đỗ Mạnh Giỏi, sinh năm 1985 (trú tại Phường Lê Lợi, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) điều khiển, trên xe chứa 81 bao với khoảng 16.500 bộ quần áo bảo hộ y tế không có nhãn mác. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp pháp theo quy định liên quan đến số hàng vận chuyển trên. Bước đầu, lái xe khai nhận chở thuê số trên cho một người phụ nữ trú ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng về tỉnh Nghệ An.
Cũng liên quan đến mặt hàng trang thiết bị y tế trong đó có máy thở, máy tạo oxy, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
![]() |
Lực lượng QLTT Lạng Sơn ngăn chặn kịp thời một vụ vận chuyển máy thở oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Cụ thể, ngày 31/8/2021, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Phòng PC 03 Công an tỉnh và Đội 389 tỉnh phát hiện xe ô tô tải có mui biển kiểm soát 12C- 020.66 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm khi chiếc xe này đang dừng đỗ tại khu vực Ngõ 533- Đường Bà Triệu, Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 36 bao tải dứa màu xanh. Bên trong các bao tải dứa có chứa cùng loại mặt hàng là máy thở Oxy nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam.
Kiểm đếm thực tế có tổng số 74 bộ máy. Mỗi bộ máy bao gồm: máy tạo oxy, ống oxy, điều khiển từ xa, dây nguồn, bộ lọc không khí, Hướng dẫn sử dụng… Trong số đó có 18 máy mang nhãn hiệu Santafell loại 1-7L, power 120 VA; 56 máy nhãn hiệu Model ZY-17, power 220V150 HZ. Toàn bộ số hàng hóa trên trị giá ước tính trên 200 triệu đồng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các loại máy thở, máy tạo oxy nhập lậu thường nhái thương hiệu uy tín nên thường cho kết quả không chính xác, thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy. |
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là ông Nông Đức Duy (1990), địa chỉ số nhà 28, ngõ 12, đường Hoàng Đình Kinh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của toàn bộ số máy thở trên xe. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ hàng hóa, phương tiện vận chuyển, tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định.
Ngày 22/8/2021 Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám phương tiện là xe ô tô tải biển kiểm soát 51D-133.16 do ông Nguyễn Văn Quỳnh có địa chỉ thường trú tại: Xã Thái Bình, Huyện Yên Sơn, Tỉnh Tuyên Quang điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 52 chiếc máy tạo oxy loại (1-7) lít/phút, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên.
![]() |
Lô máy tạo oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt tại Hưng Yên |
Trước đó, ngày 21/8, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Lào Cai) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra tại khu vực đường Trần Viết Xuân (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Lực lượng phát hiện lô hàng gồm 5 máy tạo oxy nhãn hiệu Santafell do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến tính hợp pháp của hàng hóa trên.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh – nơi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu về vật tư trang thiết bị y tế tăng cao. Lợi dụng điều này các đối tượng cũng dùng mọi cách để đưa các sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ đến tay người tiêu dùng.
Cụ thể, chiều 19/8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra xe tải đang chuẩn bị giao hàng tại địa chỉ số 428/30 Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có khoảng 350 nghìn sản phẩm vật tư y tế như máy tạo oxy, đồng hồ đo áp suất oxy, đồ bảo hộ, khẩu trang... Toàn bộ số hàng trên đều ghi chữ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ...
![]() |
Máy tạo oxy bị lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh bắt giữ ngày 19/8. |
Và mối nguy hại khôn lường
Liên quan đến vấn đề trên, trước đó Chuyên gia của Bộ Y tế đã có cảnh báo việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Hơn nữa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.
Bên cạnh đó nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến, còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.
Trên cơ sở nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng: Luôn nâng cao tinh thần trong phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện đúng các quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Không tự ý đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng; Không tự ý sử dụng máy thở, máy tạo oxy tại nhà vì đây là một công việc cần có chuyên môn cao được đào tạo bài bản và có đầy đủ trang thiết bị đi kèm.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm thiết bị vật tư y tế, không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.