Những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 tốt cho sức khỏe Những thực phẩm ăn vào mùa lạnh giúp giữ ấm cơ thể và tăng đề kháng 8 thực phẩm “rẻ bèo” giúp chị em sở hữu làn da hồng hào như da em bé |
Phụ nữ mang thai nên ăn gì, tránh gì?
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai vì các chất dinh dưỡng từ thực phẩm người mẹ ăn sẽ góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của em bé và là nền tảng cho sự phát triển của trẻ sau này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, phụ nữ mang thai cần tăng cường dinh dưỡng hơn lúc bình thường. Ngoài chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ các nhóm chất cần thiết, cần bổ sung thêm năng lượng, chất đạm, chất béo.
Cần phải sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: vitamin A, B, C, E…; các chất khoáng như sắt, kẽm, acid folic, canxi…
Mặc dù hầu hết các loại thực phẩm đều an toàn nhưng phụ nữ mang thai nên lưu ý tránh một số thực phẩm như thịt, cá sống, cá có hàm lượng thủy ngân cao, bia rượu, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và muối, caffeine… vì chúng không tốt cho sức khỏe và có nguy cơ cao chứa vi khuẩn như Listeria, Campylobacter, Salmonella, Ecoli… có thể gây ngộ độc nặng cho phụ nữ mang thai. Ngộ độc thực phẩm khi mang thai có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của mẹ và gây nhiều rủi ro cho em bé như sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non...
Theo PGS.TS. Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hoá, Học viện Quân y, ngộ độc thực phẩm gây tổn thương đường tiêu hóa với các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác như thận, não do mất nước, rối loạn điện giải… Trường hợp nặng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỷ lệ cao do thực phẩm nhiễm các vi khuẩn như: E.coli, Campylobacter, Escherichiacoli, Listeria, Bacillus cereus, Vibrio, Clostridium botulinum, Salmonella… Các loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc nhất là thịt, cá, trứng, sữa, hàu sống, cá sống…
Một số loại thực phẩm và đồ uống nên tránh trong thai kỳ
Hải sản có hàm lượng thủy ngân cao
Cá có chứa thủy ngân cao có thể nguy hại cho bà bầu |
Thủy ngân là một chất hoá học có độc tính cao, nó xuất hiện trong tự nhiên, được tìm thấy nhiều nhất ở vùng nước ô nhiễm. Thủy ngân trong tự nhiên có thể bị vi khuẩn tác động và chuyển thành dạng methylmercury, dạng này có tính tích luỹ, vì vậy độc tính xuất hiện thường là do tiếp xúc liên tục trong thời gian dài.
Con người có thể tiếp xúc với thủy ngân trong nhiều trường hợp khác nhau và dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều tiếp xúc với thủy ngân ở nồng độ không đáng kể. Với lượng cao hơn, nó có thể gây độc cho hệ thần kinh, hệ miễn dịch và thận. Đối với trẻ em, đôi khi sẽ xảy ra ngay cả liều lượng thấp và gây ra các vấn đề phát triển nghiêm trọng ở trẻ.
Vì thuỷ ngân được tìm thấy ở những vùng biển ô nhiễm nên cá biển lớn có thể tích tụ lượng thủy ngân cao. Do đó, tốt nhất là bạn nên tránh những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao khi đang mang thai và cho con bú. Điều này có thể gây tổn thương não và ảnh hưởng đến thính giác và thị giác của em bé.
Cá rất giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và giúp trẻ phát triển nhận thức. Bà bầu không cần phải tránh tất cả các loại cá khi mang thai nhưng cần chú ý tránh một số loài cá biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao bao gồm: Cá kiếm, Cá thu vua, Cá ngừ mắt to, Cá cờ xanh (cá marlin), Cá nàng đào, Cá tráp cam…
Bà bầu có thể tiêu thụ vừa phải các loài cá có hàm lượng thủy ngân thấp bao gồm: cá hồi, tôm, cá ngừ đóng hộp, cá tuyết, cá trích…
Cá sống hoặc cá chưa nấu chín
Những món nổi tiếng và lạ miệng từ cá sống ví dụ như sushi, gỏi cá… luôn thu hút nhiều người trong đó có mẹ bầu. Tuy nhiên, cá món cá sống, gỏi cá có thể gây ra các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, ngộ độc thức ăn do chúng chứa nhiều loại vi khuẩn gây độc như Listeria monocytogenes, Salmonella… Do đó, việc mẹ bầu ăn cá sống hoặc chưa nấu chín kỹ rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng đường ruột ở mức độ nặng hơn những người bình thường không mang thai.
Trên thực tế, phụ nữ mang thai có khả năng bị nhiễm vi khuẩn Listeria cao gấp 20 lần so với người bình thường không mang thai. Vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể truyền sang em bé qua nhau thai, ngay cả khi người mẹ không có dấu hiệu bị bệnh. Điều này gây hậu quả nguy hiểm có thể dẫn đến sinh non, sảy thai, thai chết lưu và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Thịt chưa nấu chín kỹ, thịt sống
Mẹ bầu khi ăn thịt chưa nấu chín hoặc thịt sống sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ một số vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bao gồm Toxoplasma, E. coli, Listeria và Salmonella. Vi khuẩn có thể đe dọa sức khỏe của thai nhi, có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc các bệnh thần kinh nghiêm trọng, bao gồm thiểu năng trí tuệ, mù lòa và động kinh.
Các loại món ăn chế biến từ thịt bao gồm: xúc xích, lạp xưởng, thịt đóng hộp có thể dễ bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây hại trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, do vậy phụ nữ mang thai nên hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn này. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất các loại đồ ăn này chưa đảm bảo chất lượng cũng sẽ là mối nguy hại lớn cho sức khỏe bà bầu.
Do vậy, bà bầu nên mua các loại thịt đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, sau đó sơ chế sạch sẽ và nấu chín kỹ nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột.
Trứng sống hoặc trứng chưa nấu chín (còn lòng đào)
Trứng sống hoặc trứng chứa nấu chín kỹ có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella thường bao gồm sốt, buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày và tiêu chảy.Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng có thể gây ra co thắt tử cung, dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.
Các món ăn thường chứa trứng sống hoặc chưa chín kỹ bao gồm: Trứng chiên không kỹ, Sốt tự làm có chứa lòng đỏ trứng gà, Salad, Kem tự làm, Bánh kem,...Do vậy, để đảm vệ sinh an toàn, bà bầu không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng các loại món ăn kể trên, nấu trứng chín kỹ hoặc sử dụng trứng đã qua tiệt trùng.
Thịt nội tạng
Thịt nội tạng là chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B12, vitamin A, kẽm, selen và đồng - tất cả đều tốt cho thai phụ và em bé.
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều vitamin A có nguồn gốc động vật (vitamin A đã chuyển hoá) trong thai kỳ. Vì tiêu thụ quá nhiều vitamin A đã chuyển hoá, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ, có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và sẩy thai.
Tốt nhất phụ nữ mang thai nên tiêu thụ các loại thịt nội tạng như gan ở mức dưới 100gr một lần mỗi tuần.
Đồ ăn vặt đã qua chế biến
Khi mang thai, cần bắt đầu ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để giúp ích cho cả mẹ và bé. Người mẹ sẽ cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng như protein, folate, choline và sắt.
Trong khi đó, đồ ăn vặt đã qua chế biến thường ít chất dinh dưỡng và nhiều calo, đường và chất béo. Mặc dù tăng vài cân là điều cần thiết trong thai kỳ, nhưng tăng cân quá mức có thể tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, cũng như gây ra các biến chứng mang thai hoặc sinh nở.
Mẹ mang thai cần ăn đầy đủ các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ, tập trung vào protein, rau, trái cây, chất béo lành mạnh, giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và củ giàu tinh bột.
Sữa chưa tiệt trùng
Các sản phẩm sữa tươi hoặc sữa chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn như Listeria, Campylobacter, Salmonella hoặc E. coli. Vì vậy bà bầu cần chú ý chọn sản phẩm sữa đảm bảo tiêu chuẩn, luôn kiểm tra nhãn sữa và các sản phẩm sữa để đảm bảo chúng đã được tiệt trùng.
Trái cây và rau chưa rửa sạch
Lớp vỏ bên ngoài của trái cây và rau quả có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại và có thể lây lan vào bên trong sản phẩm khi cắt hoặc ép. Đặc biệt, Toxoplasma gondii, một loại ký sinh trùng được tìm thấy trên các thực phẩm chưa được rửa sạch, có thể gây bệnh nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai.
Bệnh có thể gây sốt, sưng hạch, nhức đầu, đau cơ hoặc cứng cổ nhưng một số người bị nhiễm bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng, khiến bào thai tiếp xúc với ký sinh trùng mà không được phát hiện. Trẻ sinh ra bị nhiễm Toxoplasmosis có thể bị giảm thị lực, giảm thính lực và thiểu năng trí tuệ. Các triệu chứng có thể tiếp tục phát triển thậm chí nhiều năm sau khi sinh.
Không nên ăn rau mầm sống vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào hạt mầm thông qua các vết nứt nhỏ trên vỏ trước khi chúng lớn lên. Vì vậy, cần rửa sạch thực phẩm phẩm dưới vòi nước chảy trước khi ăn hoặc chế biến. Có thể sử dụng bàn chải nhỏ để loại bỏ thêm bụi bẩn trên rau củ. Nấu chín hoàn toàn rau mầm để loại bỏ vi khuẩn.
Rau mầm sống
Môi trường ẩm ướt cần có của hạt giống để bắt đầu nảy mầm là điều kiện khá thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển và chúng gần như không thể rửa sạch bằng nước. Rau mầm sống có thể kể đến một số loại quen thuộc như: giá đỗ, rau mầm củ cải, cỏ linh lăng… và chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nặng nề.
Vì lý do này, phụ nữ mang thai nên tránh hoàn toàn ăn rau mầm sống. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể ăn các loại rau mầm đã rửa sạch và nấu chín.
Nước trái cây chưa tiệt trùng hoặc nước ép trái cây đường phố
Khi trái cây và rau quả mới được ép, vi khuẩn từ vỏ của chúng có thể xâm nhập vào nước trái cây. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nên từ chối những ly nước trái cây bán ở một số quán bán nước trái cây đường phố vì không chắc chắn liệu trái cây có an toàn, đã rửa sạch và bỏ vỏ hay chưa.
Đối với các sản phẩm nước ép trái cây đóng hộp, trừ khi nhãn ghi rõ nước trái cây đã được tiệt trùng, nếu không nó có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại và nên tránh dùng trong thời kỳ mang thai.
Caffeine
Caffeine là chất được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm như: trà, cà phê, ca cao, nước ngọt. Caffeine được hấp thu rất nhanh và dễ dàng đi vào nhau thai và thai nhi. Do nhau thai và thai nhi chưa có enzym chính cần thiết để chuyển hóa caffeine nên ở nồng độ cao có thể tích tụ và gây hại.
Lượng caffeine cao trong thai kỳ đã được chứng minh là hạn chế sự phát triển của thai nhi và và tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân (dưới 2.5 kg).
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ mang nên hạn chế lượng Caffeine dưới 200 mg/ ngày, tương đương với 2-3 cốc cà phê.
Rượu, bia
Rượu đi qua máu của người mẹ đến dây rốn của em bé, có thể gây ra hội chứng thai nhi do rượu. Theo PGS.TS. Vũ Đức Định, hội chứng thai nhi do rượu dẫn đến những khiếm khuyết về mặt trí tuệ và thể chất ở thai nhi do việc uống một lượng rượu lớn và kéo dài trong suốt thời kỳ người mẹ mang thai.
Sau khi từ hệ tiêu hóa vào máu người mẹ, rượu và các chất có cồn khác dễ dàng thâm nhập qua hàng rào nhau thai để vào máu thai nhi và gây cản trở sự phát triển về khối lượng và kích thước thai, tạo ra những điểm khác biệt về khuôn mặt và làm tổn thương các tế bào thần kinh ngoại biên cũng như não bộ của thai nhi.
Nghiên cứu đã kết luận, rượu gây ra những tổn thương thực thể ở não bộ thai nhi ngay trong ba tháng đầu và gây tổn thương chức năng thần kinh ở vào ba tháng cuối. Sau sinh, nhận thức của những trẻ mà trong thời kỳ nằm trong bụng mẹ liên tục bị phơi nhiễm với rượu thường chậm hơn bình thường. Ngoài ra, thai nhi còn có khả năng bị tổn thương hệ miễn dịch hoặc các khiếm khuyết khác như bệnh tim bẩm sinh hoặc bất thường nội tạng như gan, thận, tụy...
Những lưu ý trong quá trình chế biến món ăn mà bà bầu cần hiểu rõ
Những sự biến đổi về sinh lý trong cơ thể người phụ nữ đang mang bầu khiến nguy cơ nhiễm độc từ thức ăn tăng cao hơn. Khi bà bầu bị nhiễm độc, ngộ độc thức ăn thì biểu hiện, mức độ ảnh hưởng tới thai nhi và mẹ nghiêm trọng hơn so với người không mang thai.
Do vậy, ngoài việc sử dụng và lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng, phụ nữ đang mang thai cũng cần lưu ý về cách chế biến các món ăn:
Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn.
Các loại thực phẩm mua về cần được rửa sạch, nấu chín thật kỹ.
Thường xuyên lau dọn, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ làm bếp (dao, thớt, kéo…) và các thiết bị bảo quản đồ ăn như: tủ lạnh…
Không để lẫn thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã nấu chín để tránh các vi khuẩn có hại từ đồ sống có thể truyền sang thực phẩm đã chín.
Mẹ bầu nên uống nước đã đun sôi để nguội, các loại nước uống đã qua tiệt khuẩn tránh bị nhiễm các vi khuẩn, chất có hại.