Đền Hùng được xây dựng trên ngọn núi nào? ̀̀ 5 đặc sản nhất định phải thử khi du lịch vùng Đất Tổ Bánh sắn Phú Thọ - Món quà quê dân dã nhưng đầy hương vị |
Năm nay dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), rơi vào thứ 5 ngày 18 tháng 4, người lao động được nghỉ một ngày nên chắc chắn sẽ không ít người lên kế hoạch đến thăm Đền Hùng - Phú Thọ.
Khi đến với vùng Đất Tổ linh thiêng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng văn hóa lâu đời, với những đền, chùa cổ kính, các làng nghề truyền thống, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị to lớn… mà còn được thưởng thức rất nhiều đặc sản hấp dẫn.
Thịt chua
Thịt chua là một đặc sản của người Mường vùng Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thịt để làm món này ngon nhất là loại lợn lửng do người Mường nuôi tự nhiên, quanh năm ăn củ và trái cây rừng. Loại lợn này thường chỉ nặng từ 15kg – 30kg, thịt ít mỡ và rất thơm.
Thịt chua sử dụng thịt lợn tươi sống ướp trong thính gạo cho thành phẩm chín tự nhiên. Thịt chua Thanh Sơn cuốn với lá sung, đinh lăng, chấm thêm tương ớt cay tạo nên một món ăn rất đặc sắc.
Bánh tai
Bánh tai còn gọi là bánh hòn, có hình dáng giống cái tai. Bánh được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn và một số nguyên liệu đặc biệt khác. Bánh tai rất mềm, khi ăn vào sẽ cảm thấy dẻo, dễ nhau, nhân bên trong cũng rất vừa vặn tạo cảm giác thân thuộc nhưng cực kỳ mới lạ. Đây là một trong những món ăn được yêu thích nhất tại Phú Thọ và được người dân ăn thường xuyên quanh năm suốt tháng.
Đa phần du khách khi tới Phú Thọ đều rất muốn ăn thử bánh tai bởi vị đặc biệt ăn nhiều cũng không ngán.
Cơm nắm lá cọ Phù Ninh
“Dù ai đi ngược về xuôi – Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh.”
Phù Ninh là vùng quê nổi tiếng với cây cọ. Một đặc sản hấp dẫn du khách phải kể đến cơm nắm lá cọ. Để có nắm cơm lá cọ, phải tìm những lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, tùy khẩu phần ăn cho một hay nhiều người mà chia thành nắm to, nắm nhỏ.
Sau đó cho vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Cơm nắm lá cọ chấm với muối vừng, muối sả hay sườn lợn rang muối đều rất ngon.
Cọ ỏm
Sang thu, những cây cọ đơm hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10 âm lịch, quả cọ chín, vỏ quả chuyển dần sang màu nâu bóng, màu đen, cũng là thời điểm người dân quê cọ đi thu hoạch quả về để chế biến thành những món ngon đặc biệt.
Sau khi luộc chín, cọ chín vớt ra, để nguội là ăn được. Cọ ỏm mềm, phía ngoài đen bóng, ở trong vàng ươm như mật ong, cùi dày và thơm. Khi cho vào miệng, mùi thơm lạ, hơi ngái, vị ngậy, bùi, ngọt hấp dẫn. Chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi.
Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng có vị thơm, vị ngọt thanh khiến ai được thưởng thức một lần cũng sẽ nhớ mãi. Đặc biệt, khi những quả bưởi Đoan Hùng đã chín già, chỉ cần bảo quản dưới nền nhà có thể giữ tới nửa năm, vỏ bên ngoài héo nhưng múi bên trong vẫn căng mọng, ngọt mát.
Rau sắn muối chua
Lá sắn là một loại rau ngon, đem muối chua thành dưa sắn đậm đà, thơm ngon, trở thành món ăn quen thuộc và đặc trưng của Phú Thọ.
Dưa sắn có thể ăn không với cơm hoặc chế biến cùng với các nguyên liệu khác như cá, chân giò, thịt, hoặc lạc. Lấy dưa sắn vắt khô rồi đem nấu cá, chỉ cần nêm một chút gia vị, nấu nhừ, dưa sắn làm hết mùi tanh của cá, làm cho miếng cá đượm mùi dưa, thơm ngon.
Như vậy với bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp một số món ăn ngon khi đến với Phú Thọ nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Chúc tất cả có một kỳ nghỉ lễ đáng nhớ, hướng về cội nguồn và chữa lành được tâm hồn khi đến với mảnh đất linh thiêng.
Đem củ dại vỏ ngoài đen xì, bên trong đỏ thẫm về làm nộm với thịt lợn rừng cho ra đặc sản cực ngon, cực lạ |
Giòn, ngọt gỏi cá chép Hùng Lô |