Sau thời gian dài nghỉ dịch, các bé được quay lại trường học, đa số trẻ rất vui mừng khi gặp lại thầy cô cùng bạn bè. Tuy nhiên, các bé đã quen với nếp sinh hoạt, ăn uống tại nhà, và bây giờ trẻ sẽ phải thay đổi giờ giấc ăn uống cũng như tập làm quen với chế độ dinh dưỡng tại trường. Một số phụ huynh lo ngại, việc quay lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch, nhất là vào mùa hè nóng bức, trẻ khó thích nghi với lịch sinh hoạt cũng như thực đơn tại trường, dễ biếng ăn và thiếu dinh dưỡng.
Việc trẻ chưa thể thích nghi ngay với chế độ sinh hoạt và thực đơn tại nhà trường là điều khó tránh. Đặc biệt hiện nay, thời tiết khá nóng bức, việc tham gia các hoạt động ngoài trời khiến trẻ mất nhiệt, ra mồ hôi nhiều hơn. Cảm giác nóng bức, mệt mỏi sẽ càng khiến trẻ biếng ăn.
Nhiều phụ huynh lo lắng về sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ khi quay lại trường học trong điều kiện thời tiết nóng bức như hiện nay.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, cần xác định lại nguyên nhân gây biếng ăn của trẻ. Nếu trẻ biếng ăn do liên quan đến bệnh nhiễm khuẩn hoặc liên quan đến một số bệnh khác, cần cho trẻ đi khám và giải quyết tận gốc. Nếu liên quan đến chế độ dinh dưỡng, phải điều chỉnh cho phù hợp.
"Chúng ta phải để ý những loại thức ăn phù hợp trong mùa hè. Đó là những loại thức ăn dễ tiêu, giúp trẻ giảm biếng ăn như sữa chua. Với những thức ăn này, cần cho trẻ dùng trước giờ đi ngủ. Ngoài ra cần bổ sung rau xanh, hoa quả”- BS Trương Hồng Sơn cho biết.
Bên cạnh việc theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trong mùa hè, các phụ huynh cũng tìm hiểu thực đơn, chế độ dinh dưỡng của con tại nhà trường để kịp thời bổ sung các món ăn phụ nhiều dinh dưỡng như sữa chua, váng sữa, phô mai hoặc sáng tạo các món salat kết hợp rau củ với trứng, tôm để tăng cường chất xơ, khoáng chất, vitamin thiết yếu. Cùng những băn khoăn về dinh dưỡng, thiếu nước là một trong những hiện tượng khá phổ biến đối với trẻ trong mùa hè.
Việc uống đủ nước là một điều quan trọng nhưng nhiều bà mẹ bỉm sửa lại hay quên, do trẻ em cũng cẩn bổ sung nhiều nước giống như người lớn.
Thời tiết nóng, lượng mồ hôi ra nhiều hơn, đòi hỏi nhu cầu uống nước tăng lên. Đặc biệt, khi trẻ chạy chơi, vận động ngoài trời quá trình tiêu hao lượng nước trong cơ thể diễn ra nhanh hơn, vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu nước cho trẻ rất quan trọng. Thông thường trẻ mải chơi, không có thói quen uống nước, lúc nào rất khát mới uống và như vậy là đã bị chậm. Việc tạo thói quen uống nước hàng ngày cho trẻ là rất cần thiết.
Ví dụ trẻ nặng 10kg thì cần bổ sung ít nhất 1 lít nước mỗi ngày (có thể uống sữa), cứ mỗi một cân vượt hơn lại bổ sung thêm 50ml. Ngoài ra, trẻ sau 10 tuổi được khuyến khích uống bằng người lớn từ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, chia giờ để trẻ có thể bú nhiều lần sẽ giúp bổ sung nước và các chất dinh dưỡng giúp các bé phát triển tốt hơn.
"Để nhận biết trẻ uống đủ nước hay không có thể quan sát màu nước tiểu, màu nước vàng rất nhạt là trẻ đã uống đủ còn màu nước tiểu sẫm màu, cần bổ sung nước cho trẻ. Nếu trẻ đang thừa cân béo phì nên hạn chế sử dụng các loại nước có nhiều đường. Ngoài ra cha mẹ cũng có thể làm các loại nước hoa quả cho trẻ”- BS Trương Hồng Sơn cho biết.
Hành động “hứng gió” vào mùa hè sẽ chỉ phù hợp với những người có sức đề kháng tốt và không phù hợp với trẻ nhỏ dù là gió trời, quạt mát hay điều hòa.
Một số lưu ý khác về sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ trong mùa Hè như:
Mặc đồ thoáng mát
Hãy lựa chọn cho trẻ nhiều bộ quần áo có chất liệu thoáng mát, dễ thấm mồ hôi. Tùy thuộc thời điểm hay nhiệt độ bên ngoài mà thay đổi quần áo sao cho phù hợp. Đặc biệt, hạn chế để trẻ ra ngoài đường trong thời điểm buổi trưa và đầu giờ chiều. Đây là thời điểm mà ánh nắng nắng mặt trời toả nhiệt cao, tia UV cao sẽ gây hại đến sức khoẻ.
Nếu trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì đừng quên trang bị cho trẻ áo dài tay, khẩu trang và thường xuyên kiểm tra tình trạng đổ mồ hôi của trẻ để đảm bảo rằng, cơ thể của trẻ luôn khô ráo.
Tránh luồng gió trực tiếp
Hành động “hứng gió” vào mùa hè sẽ chỉ phù hợp với những người có sức đề kháng tốt và không phù hợp với trẻ nhỏ. Dù là gió trời, quạt mát hay điều hòa thì việc để hướng gió trực tiếp vào cơ thể của trẻ là điều tối kỵ.
Hãy đảm bảo rằng, trẻ không phải hứng chịu nhiều đợt gió thốc thẳng vào người sẽ khiến các bé sớm sinh bệnh ốm sốt, cảm gió hoặc hắt hơi sổ mũi. Nếu có điều kiện, luôn mở điều hoà duy trì nhiệt độ phòng ở mức 27-29 độ và cũng hạn chế tối đa dùng quạt.
Hạ Vy