Ngành du lịch kỳ vọng đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 Thanh Hoá: Tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 33,8 ngìn tỉ đồng Mê Linh phát triển làng nghề trồng hoa gắn với du lịch trải nghiệm |
Khách du lịch quốc tế đạt 17,5 triệu lượt
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh. |
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, năm 2024 mặc dù còn nhiều thách thức nhưng ngành du lịch vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt được các chỉ số quan trọng, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt; tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù lượng khách năm 2024 tăng trưởng vượt kỳ vọng, song theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, không có tình trạng quá tải, phát triển “nóng”, cũng như sự cố đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt.
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn, đặc biệt là tình trạng “chặt chém” không còn là vấn nạn như một số thời điểm du lịch vào cao điểm trước đây. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo… Để đạt được kết quả này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quản lý nhà nước về du lịch, ngăn tình trạng phát triển “nóng”, “chộp giật”; còn có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp lữ hành khi đầu tư, nâng cao điểm đến và đảm bảo hạ tầng, cơ sở lưu trú cho du khách.
Trong đó, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là câu chuyện điển hình của việc thu hút đầu tư vào du lịch, giúp cho Phú Quốc từng bước cạnh tranh với nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới. Tính đến nay, Phú Quốc đã thu hút tới 274 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 388.000 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc cho biết, Phú Quốc hiện có hệ thống lưu trú hơn 700 cơ sở với trên 24.000 phòng, trong đó có 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao... “Hàng loạt cơ chế chính sách đặc thù được ban hành đã giúp Phú Quốc thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng đến “chân” các dự án chính là điểm nhấn, tạo động lực rất lớn cho nhà đầu tư tìm tới đây”, ông Khoa chia sẻ.
Trong bối cảnh ngành du lịch đã huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, địa phương và từng người dân trong vùng tham gia, năm vừa qua, du lịch Việt Nam có thêm động lực để bứt phá khi tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng như: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” cùng nhiều giải thưởng dành cho các điểm đến, địa phương.
“Việc được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế là cơ hội lớn để quảng bá du lịch Việt Nam đến với du khách quốc tế mà mỗi doanh nghiệp, địa phương cần nắm bắt tốt cơ hội này để đưa ra kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với thế mạnh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Ngành du lịch khẳng định tinh thần quyết tâm
Du khách trải nghiệm tại Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam). |
Tiếp nối thành công năm 2024, ngay từ những đầu năm mới 2025, du lịch Việt Nam đã chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng về lượng khách quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong dịp Tết dương lịch, khách du lịch đến Hà Nội đạt 160.000 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày đầu năm mới, lượng khách đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 750.000 lượt, trong đó, khách quốc tế đến Thành phố đạt khoảng hơn 41.200 lượt. Với ngành du lịch Quảng Ninh, lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025” diễn ra từ ngày 13-19/01 dự kiến đón hơn 80.000 người, trong đó có khoảng 200 tỷ phú châu Âu sẽ đi du thuyền đến vịnh Hạ Long... Đây là những tin vui báo hiệu một năm du lịch đầy hứng khởi của các địa phương sau thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia du lịch, với mục tiêu đặt ra cho năm 2025 được đánh giá là tương đối tham vọng, ngành du lịch cần khẳng định tinh thần quyết tâm, cũng như phát huy hiệu quả những lợi thế, cách làm hay được thực hiện trong năm qua. Trong đó, cần tiếp tục tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Ví công tác xúc tiến, quảng bá du lịch như màn giới thiệu vẻ đẹp đặc trưng đến du khách, các ý kiến cho rằng, hoạt động này phải gây được ấn tượng mạnh với du khách và không thể thiếu sự tham gia của doanh nghiệp.
Dẫn chứng từ câu chuyện Phú Quốc, ông Cao Trí Dũng cho biết, không chỉ đầu tư nguồn lực khổng lồ, với sự nhanh nhạy trong kinh doanh, các doanh nghiệp còn thể hiện vai trò dẫn dắt trong các hoạt động xúc tiến lớn cho du lịch Phú Quốc. Trên cơ sở xác định chính xác nguồn khách trong ngắn hạn và dài hạn, doanh nghiệp đã triển khai hoạt động quảng bá và trực tiếp bỏ ra nguồn lực lớn để xúc tiến du lịch cùng địa phương…
Cùng với đó, các địa phương cần không ngừng phát triển sản phẩm du lịch mới, tranh thủ các sự kiện lớn để quảng bá, tạo điểm nhấn với du khách về du lịch địa phương. Theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, tận dụng sự kiện lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025” sắp tới, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm đưa vào khai thác các bãi tắm: Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên vịnh Hạ Long. Các bãi cát nằm dưới chân núi thuộc các khu vực giữa vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long cũng sẽ được khai thác, đáp ứng yêu cầu cao cấp của các tỷ phú đi siêu du thuyền đến; đồng thời nghiên cứu tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật trong một số hang động đủ điều kiện nhằm tạo trải nghiệm độc đáo cho du khách…
“Ngành Du lịch đang đứng trước những cơ hội lịch sử xuất phát từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò động lực của Du lịch trong nền kinh tế; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh”, ông Hà Văn Siêu chia sẻ.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể đáp ứng các xu hướng du lịch mới của toàn cầu: du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; du khách lựa chọn điểm đến ít đông đúc hơn; chuyển đổi từ “tham quan” sang “trải nghiệm”; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình… Những xu hướng sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Có lẽ vì vậy, ngành Du lịch tiếp tục đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng: Năm 2025, đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
Cho rằng mục tiêu ngành du lịch đặt ra cho năm 2025 là tham vọng, nhưng có thể thực hiện được, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đề nghị ngành du lịch phải tiếp tục đổi mới về hình thức, nội dung trong thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng công tác xúc tiến tại các thị trường quốc tế trọng điểm.
“Hoạt động du lịch chỉ có thể phát triển khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ đổi mới điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó công tác quảng bá, xúc tiến phải đi trước, đón đầu”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.