Rửa tay sạch trước khi sơ chế, chế biến thực phẩm
Thực tế cho thấy tay bẩn là một trong những cách phổ biến nhất khiến thực phẩm bị ô nhiễm. Cho nên, ngoài việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm thì cần phải chắc chắn rửa tay sạch trước khi sờ hoặc chạm vào thực phẩm. Hãy nhớ rửa tay sạch sau khi bạn chạm vào thực phẩm sống rồi mới chạm vào thực phẩm đã được làm chín, để tránh nhiễm khuẩn chéo
Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn, bát đĩa giữa các lần sử dụng
Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn, bát đĩa giữa các lần sử dụng giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn chéo.
Không nên để thịt sống tiếp xúc với các thực phẩm khác, đặc biệt là thực phẩm đã nấu chín. Bởi vì, vi khuẩn từ thực phẩm sống có thể nhiễm sang thực phẩm chín. Khi sử dụng các thực phẩm này nguy cơ cao sẽ bị ngộ độc thực phẩm.
Nên sử dụng hai loại thớt riêng biệt cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Hơn nữa, nên hạn chế sử dụng thớt gỗ vì đối với những loại thớt này ngay cả khi được làm sạch hoàn toàn thì chúng vẫn là môi trường tốt cho vi sinh vật trú ngụ và phát triển.
Cách bảo quản thực phẩm chín
Các loại thực phẩm sau khi nấu chín cần để nguội, để riêng từng loại vào các hộp đựng thực phẩm có nắp hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín và cất vào tủ lạnh.
Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Không để thức ăn sống cùng ngăn với thức ăn chín. Trước khi ăn phải nấu lại cho sôi kỹ các món ăn này và chỉ nên ăn lại một lần sau đó. Những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn thì không nên để trong tủ lạnh quá 3 ngày.
Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.
Thực phẩm đông lạnh
Với những gia đình đi chợ một ngày để dành cho nhiều ngày, nên làm sạch các loại thực phẩm tươi sống muốn dự trữ ngay sau khi đi chợ về, để hạn chế khả năng thực phẩm bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng.
Giữ thịt, cá tươi sống trong ngăn đá là cách bảo quản an toàn nhất. Để tránh việc rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm đông lạnh bị nhiễm khuẩn, nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với từng bữa ăn của gia đình.
Lưu ý, dụng cụ chứa thực phẩm phải tuyệt đối kín để dịch có trong thức ăn không chảy ra tủ lạnh. Thịt cá cần làm sạch, rửa và để ráo trước khi cho vào ngăn đá.
Với các loại rau xanh, cần nhặt bỏ phần gốc, lá sâu, lá giập và rửa sạch, sau đó cho vào bao đựng thực phẩm (có thể sử dụng túi xốp), buộc chặt miệng túi trước khi cất vào ngăn mát. Các loại rau cải, rau lá xanh… không nên để lâu quá một tuần, thời hạn dùng tốt nhất là trong vòng ba ngày kể từ lúc mua.
Về nguyên tắc, thực phẩm tươi sống có thể để được đến một năm nếu được cấp đông từ -180 đến -300, cấp đông với nhiệt độ -360 thì bảo quản được đến 18 tháng. Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, khi để lâu thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan…
Do vậy, thời gian bảo quản tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là từ bảy đến 10 ngày, thịt heo, gà, vịt khoảng bảy ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng ba ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon hơn.
Hai trong số 10 nguyên tắc vàng luôn được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo là phải che đậy cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín, không để lẫn lộn thực phẩm chín và thực phẩm sống với nhau.
Một số loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh
Khoai tây, cà phê, hành tỏi, bánh mì, chuối,…là những thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh vì như thế sẽ làm chúng bị mất đi mùi thơm, làm giảm chất lượng và gây mùi ảnh hưởng đến các thực phẩm khác.
Không nên trữ thực phẩm quá 7 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như các loại thịt, hải sản… các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên lưu lại trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày.