Nắm bắt xu thế phát triển, thời gian qua, các địa phương và các cơ sở sản xuất, chế biến tre, luồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tre, luồng, từng bước giảm sản phẩm thô và hướng tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tinh cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích tre, luồng khoảng 78.000 ha, với sản lượng khoảng 193 triệu cây/năm. Các huyện có diện tích tre, luồng lớn, như: Quan Hóa, Lang Chánh, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân... Giá trị sản xuất hàng năm đạt khoảng 570 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp và giá trị xuất khẩu sản phẩm tre, luồng bình quân 2,17 triệu USD/năm.
Tre, luồng thành sản phẩm OCOP 4 sao
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại BamBoo Vina cho biết, mỗi năm công ty anh thu mua từ 500 - 600 tấn nguyên liệu tre, luồng ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nhiều nhất là huyện Quan Sơn, Lang Chánh.
Dưới bàn tay của người thợ, những cây tre, luồng được cắt khúc theo yêu cầu của sản phẩm, sau đó bào, ép, sấy, khắc, tạo hình, đánh bóng thành những sản phẩm đẹp, tinh tế, thiết thực và an toàn khi sử dụng. Hiện nay, nhu cầu của thị trường với sản phẩm nội thất từ tre, luồng khá rộng mở.
Nguyên liệu tre, luồng được thu mua tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN |
Được biết, sau hơn 5 năm hoạt động, Công ty của anh Cường đã sản xuất trên 200 loại sản phẩm từ tre, luồng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng, tiện dụng và sáng tạo.
Từ năm 2021 đến nay, Công ty TNHH sản xuất và thương mại BamBoo Vina đã có 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh, là một trong những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Đó là bộ sản phẩm dụng cụ nhà bếp (bao gồm thớt, khay, kẹp gắp, thìa, hộp đựng dao kéo); ghế mát xa thư giãn; hộp mứt; xe đạp tre; bộ bàn ghế gấp gọn. Đây là những sản phẩm đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và một số nước châu Âu.
Sau hơn 5 năm hoạt động, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BamBoo Vina đã sản xuất trên 200 loại sản phẩm từ tre, luồng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng, tiện dụng và sáng tạo. Năm 2022, công ty đưa ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Với lợi thế là sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu, bộ dụng cụ nhà bếp của Công ty TNHH sản xuất và thương mại BamBoo Vina là sản phẩm được đa số khách hàng lựa chọn làm đồ dùng cho gia đình, làm quà tặng.
Không chỉ vậy, bộ dụng cụ nhà bếp cũng là sản phẩm được các nhà hàng lựa chọn, bởi bộ sản phẩm không những an toàn mà còn có tính thẩm mỹ cao, giá cả hợp lý. Hiện, công ty đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.
Mặt hàng thớt tre kháng khuẩn xuất khẩu có mẫu mã đẹp, nhanh khô, không bám dính, dễ vệ sinh. Ảnh: TTXVN |
"Thời gian đầu, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn khi đa số khách hàng có sở thích dùng đồ gỗ hoặc đồ nhựa. Dần dần, khách hàng trong và ngoài nước đã chú trọng vào các sản phẩm thân thiện với môi trường từ tre, luồng. Công ty đã đầu tư sản xuất các mặt hàng từ tre, luồng, đảm bảo an toàn phục vụ nhà bếp như: thìa, muôi, thớt, kẹp gắp, khay đựng, bát, đũa, kệ để bát…”, anh Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Đánh giá về sản phẩm OCOP 4 sao bộ dụng cụ nhà bếp từ tre luồng tự nhiên, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, bộ dụng cụ nhà bếp của Công ty TNHH Bamboo Vina có đầy đủ các chức năng, phục vụ cho mọi công việc nấu nướng. Bộ sản phẩm có thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, rất tiện ích trong căn bếp hiện đại. Sản phẩm hiện đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Sản phẩm từ tre, luồng vươn tầm quốc tế
Hiện nay Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất toàn quốc với trên 128.000 ha. Trong đó, luồng 78.000 ha (chiếm 60,9%), nứa 28.500 ha (chiếm 22,3%), vầu 9.500 ha (chiếm 7,4%), còn lại 12.000 ha (chiếm 9,4%) là các loài tre nứa khác. Trung bình hàng năm khai thác trên 60 triệu cây luồng và 80 nghìn tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến, sản phẩm chủ yếu là đồ mỹ nghệ, đũa, tăm, nan, than hoạt tính, bột giấy, vàng mã...
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 57 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến có liên quan đến nguồn nguyên liệu là tre, nứa, luồng. Các cơ sở sản xuất, chế biến tre, luồng trong tỉnh chỉ mới tiêu thụ khoảng 45% sản lượng tre, luồng khai thác hàng năm (tiêu thụ khoảng 27 triệu cây tre, luồng, 36.000 tấn nguyên liệu giấy), 55% còn lại được thương lái thu mua, tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Các cơ sở chế biến sâu hiện có ít (7/57 cơ sở, chiếm 12,28%), các cơ sở chế biến còn lại chủ yếu tập trung sản xuất, chế biến tăm, đũa, giấy, chân hương, vàng mã,...
Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn có vị thế tại các thị trường châu Âu và một số nước như: Mỹ, Nhật, Hàn… Ngoài việc tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia kết nối tiêu thụ tại các hội chợ được tổ chức tại các tỉnh: Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Quảng Bình... Đồng thời, tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
Sản phẩm tre của Công ty TNHH Bamboo Vina tham gia Hội chợ triển lãm Hè “NY Now” 2022 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Báo Thanh hóa. |
Có thể nói, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, các sản phẩm từ tre luồng nói riêng đã và đang được thị trường nước ngoài đánh giá cao. Việc tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, qua đó khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, để sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ tre luồng có chỗ đứng trên thị trường thế giới, hơn hết các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới mẫu mã, chất lượng, đồng thời các ngành chức năng từ Trung ương, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.