Xu hướng chuyển đổi xanh là tất yếu
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường.
Những số liệu này phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người Việt, đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất. Do vậy, họ cần phải không chỉ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, mà còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà vẫn duy trì lợi nhuận.
72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường |
Hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều nhận định, việc chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu để doanh nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.
Song điều này đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất, đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ cần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng mà còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà vẫn duy trì mục tiêu lợi nhuận.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban đối ngoại Acecook chia sẻ, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh chính là chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. “Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý”, ông Thành nhấn mạnh.
Khó khăn nữa chính là nguồn cung ứng bền vững. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường rất ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao.
Một yếu tố nữa, bản thân doanh nghiệp dù muốn thực hiện chuyển đổi xanh nhưng cũng chưa được trang bị nhiều kiến thức về vấn đề này. Doanh nghiệp phải tự mày mò học hỏi, cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, vừa làm vừa đánh giá, để điều chỉnh và nâng cao hơn mỗi ngày.
Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường rất ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao. |
Cần hoàn thiện thêm các chính sách liên quan
Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết hiện chúng ta vẫn đang thiếu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh. Những chính sách hiện có chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến việc chưa tạo được động lực đủ lớn cho các doanh nghiệp.
Đơn cử như Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã có những bước đi đầu tiên, nhưng vẫn còn thiếu các biện pháp cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm xanh.
“Chúng ta cũng đã có những sách thúc đẩy chuyển đổi xanh nhưng chưa mạnh mẽ. đang thiếu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh, và những chính sách hiện có chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến việc chưa tạo được động lực đủ lớn cho các DN. Vậy nên, rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong cơ chế chính sách giúp các DN chuyển đổi thành công”- PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, phân tích.
Về vấn đề này, TS Trần Thị Hồng Minh cũng đề xuất, cần có các chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, tài chính, nguồn nhân lực,...để hỗ trợ cho những DN thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần có một khung pháp lý rõ ràng hơn để DN dễ dàng tiếp cận và thực hiện các cam kết bền vững. Mặt khác, các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho DN và người tiêu dùng cũng rất quan trọng.
“Các chính sách của Nhà nước không chỉ giúp tạo ra động lực cho DN mà còn thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người dân, hướng tới một tương lai bền vững hơn” - TS Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Cần có những tiêu chuẩn cho sản phẩm xanh và những ưu đãi cho các sản phẩm này khi lưu hành trên thị trường |
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Acecook Việt Nam, cho rằng trước tiên và quan trọng nhất cho việc phát triển tiêu dùng xanh chính là đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của tiêu dùng xanh và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, cần có những tiêu chuẩn cho sản phẩm xanh và những ưu đãi cho các sản phẩm này khi lưu hành trên thị trường để tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và tạo cơ hội để nhiều người tiêu dùng được tiếp xúc, sử dụng, ủng hộ sản phẩm xanh.
Việc hỗ trợ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp tiến tới chuyển đổi xanh cũng là một việc làm cần thiết. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh cũng nên được lưu ý để việc thực hiện chuyển đổi được đồng nhất từ trên xuống dưới, như: đầu tư cơ sở, phương tiện thu gom tái chế, phân loại rác thải, khuyến khích mô hình phân phối và logistic xanh, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh như bus xanh, xe điện,… Đồng thời hỗ trợ các chương trình sáng kiến về chuyển đổi xanh như tái chế, xử lý chất thải,…khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia chuyển đổi xanh
TS Trần Thị Hồng Minh khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tích cực trong phát triển và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường. Để chuyển mình theo hướng xanh hóa, doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia chuyển đổi xanh |
Khi các doanh nghiệp sớm chuyển mình sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn lựa sản phẩm xanh. Việc tham gia vào xu hướng xanh không chỉ là nghĩa vụ xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế và phát triển bền vững trong tương lai.
Bà cũng đề xuất doanh nghiệp nên tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh. “Không chỉ là trách nhiệm với môi trường, việc này còn giúp xây dựng thương hiệu và tăng cường lòng tin của khách hàng. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng là "chìa khóa" để thúc đẩy sự chuyển mình bền vững này”, bà Minh khẳng định.