Tây Ninh định hướng đến năm 2030, du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GRDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt hơn 1,3 triệu đồng/người/ngày.
Riêng Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen có ngày đón gần 190 nghìn lượt khách tới tham quan. Từ đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác trên địa bàn ước đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 15,74% so cùng kỳ năm trước.
![]() |
Du khách tham quan đỉnh Núi Bà Đen, Tây Ninh. |
Để lý giải “hiện tượng” này, chúng ta rất dễ thấy vào tháng Giêng hằng năm, có hàng triệu người hành hương về núi Bà Đen. Và chỉ tính riêng 15 ngày Tết năm nay, có đến 1,5 triệu người đi cáp treo lên đỉnh núi. Rất nhiều người xem đến núi Bà Đen là việc phải làm hằng năm.
Cũng trong tháng Giêng, Tây Ninh có rất nhiều lễ hội văn hóa, tâm linh mang bản sắc độc đáo. Chính vì vậy, hàng trăm nghìn du khách các nơi cũng đổ về đây để tham gia như muốn gửi khát vọng tốt lành cho bản thân và gia đình.
Thí dụ như ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, Tây Ninh đã khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”. Đây là hoạt động lễ hội thường niên nhân dịp đón năm mới, được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch.
Riêng đối với đông đảo tín đồ Cao Đài ở miền nam, triển lãm mừng Đại lễ vía Đức Chí Tôn năm Quý Mão 2023 trong tháng Giêng mới là ngày trọng đại.
|
Năm nay, Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh thực hiện chương trình Đại lễ vía Đức Chí Tôn với 32 mô hình triển lãm tuy mộc mạc nhưng hàm chứa những ý tưởng cao đẹp. Sự kiện thu hút đông đảo các tín đồ khắp Nam Bộ và du khách, đã gợi lên trong lòng người thưởng ngoạn tinh thần đạo đức tốt đẹp của dân tộc, kêu gọi sự hoà hợp, thương yêu, phát huy giá trị nhân văn.
Và ngay dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), Chợ Lá (Hòa Thành) nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Bộ đã họp chợ với sự độc đáo khi sử dụng lá cây thay cho tiền mặt.
Nếu cần an yên hơn, chùa Tây Pháp (Trảng Bàng) là lựa chọn hợp lý. Chùa còn được gọi là chùa Hàn Quốc bởi các công trình được xây dựng đan xen lẫn nhau với cỏ, cây, hoa lá. Một vườn hoa anh đào rực rỡ sắc hồng xen với những ngôi nhà gỗ mang lối kiến trúc của cổ trang Hàn Quốc.
Là một điểm du lịch tâm linh nên chùa Tây Pháp không thu vé vào cổng và thường xuyên tổ chức các buổi thiền trà, giảng pháp và khóa tu dã ngoại, truyền bá những giáo lý tốt đẹp của nhà Phật đến mọi người. Ngoài loài hoa anh đào làm chủ đạo thì ở đây còn có trồng nhiều loại hoa khác như sen, súng, cúc vàng, hướng dương, hoa ngũ sắc, bất tử…