Du lịch... Sâm! Vườn sâm Ngọc Linh tiền tỷ của nhà nông trẻ gốc Kon Tum Kon Tum: Đầu tư hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh |
Thực hiện 3 lĩnh vực đột phá
Trong những năm trở lại đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum không ngừng được nâng cao. Theo số liệu thống kê của tỉnh Kon Tum, tính đến năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản của huyện Sa Thầy đạt 1.235 tỷ đồng. Cây cao su, mì là thế mạnh của vùng được chú trọng phát triển. Ngành chăn nuôi của huyện cũng có bước phát triển mạnh mẽ, quy mô đàn gia súc đến cuối năm 2022 có 26.140 con. Về thủy sản, huyện hình thành một số mô hình nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện, tạo thu nhập cao cho người dân tại chỗ.
Bên cạnh đó, công nghiệp, xây dựng luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng khá. Các ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, tạo nguồn thu chủ lực cho ngân sách địa phương, tiêu biểu như các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn huyện có công suất 24.763 tấn sản phẩm/năm; 2 nhà máy chế biến mì công suất 80.000 tấn/năm.
6 tháng đầu năm 2023, với sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện Sa Thầy, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt được những kết quả nhất định: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 30/6/2023 đạt trên 40 tỷ đồng, đạt 38,83% dự toán tỉnh giao.
Hoạt động thương mại dịch vụ duy trì ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu 6 tháng năm 2023 đạt 777,3 tỷ đồng, đạt 52,34% kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện; đến nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum họp bàn triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tại kỳ họp thứ 6 HĐND huyện khóa XI hôm 25/7/2023. |
Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt hơn 8.000 ha, đạt 91,64% kế hoạch. Một số cây trồng lâu năm, cây dược liệu được quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, toàn huyện có 2.896 ha cây cà phê; 12.861 ha cao su; 1.421 ha cây ăn quả; 150 ha cây mắc ca, 374,54 ha cây dược liệu. Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, không xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp. Toàn huyện có gần 200 hộ đăng ký trồng diện tích hơn 250ha rừng.
Đặc biệt, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất.
Để có được thành tựu đó, lãnh đạo huyện Sa Thầy đã thực hiện nghiêm túc 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum và Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh Kon Tum đã đề ra. Trong đó, huyện Sa Thầy chú trọng triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, mở rộng khu dân cư trên địa bàn thị trấn.
Năm 2023, huyện Sa Thầy đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 14%. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn hơn 223 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, địa phương cũng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần hướng đến, trong đó, riêng ngành nông nghiệp sẽ tăng cường lựa chọn một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, tập trung ưu tiên trồng mới một số cây chủ lực như: Cây cao su, ăn quả, cà phê và một số loại cây trồng mới, hiệu quả; đẩy mạnh việc trồng xen canh, thâm canh. Tăng cường công tác bảo vệ, khai thác, nuôi trồng thủy sản tại các xã lòng hồ thủy điện. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn, trong đó ít nhất có thêm 2 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm cấp tỉnh,...
Không chỉ vậy, huyện Sa Thầy còn được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Bởi, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc và các di tích lịch sử gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân địa phương trong công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Ngoài ra, huyện Sa Thầy còn có lợi thế vượt trội so với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực - đó là rừng nguyên sinh, phải kể đến là Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Hiện tại, chính quyền huyện Sa Thầy đang nỗ lực cải thiện chính sách, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có của địa phương.
Thị trấn Sa Thầy hôm nay |
Từng bước giúp người dân làm giàu bền vững
Huyện Sa Thầy được biết đến là nơi có diện tích đất nông nghiệp nhưng cằn cõi, lịch sử chiến tranh cũng khiến cho nhiều vùng đất nơi đây khó canh tác. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương đã vận động sức dân, phát huy khả năng của từng cá nhân cải tạo đất, trồng những loại cây phù hợp nhằm tạo việc làm tại chỗ, mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho từng hộ gia đình.
Thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp, từ canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ hướng tới liên kết quy mô, làm giàu bền vững. Tại xã Ya Ly, huyện Sa Thầy từ năm 2019 thực hiện cuộc vận động ‘'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới đã động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn trong các tầng lớp nhân dân. Gia đình ông Đào Văn Tam, bà Nguyễn Thị Nụ và nhiều hộ gia đình trên địa bàn hàng năm được chính quyền địa phương tặng giấy khen “Nông dân giỏi”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Văn Tam – người dân thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy vui mừng nói: “Nhờ có sự hỗ trợ tận tình của chính quyền xã, huyện nên những năm gần đây đời sống người dân trong vùng được nâng cao. Chính quyền cử cán bộ xuống tận nhà vận động, hỗ trợ người dân kiến thức chuyển đổi mô hình canh tác, chăn nuôi đơn lẻ sang mô hình tập trung, bài bản. Không những thế, người dân gặp khó khăn về vốn còn được chính quyền hỗ trợ cho vay… Bên cạnh đó, chính quyền khơi dậy tinh thần đoàn kết, người dân trong vùng còn chủ động trao đổi kiến thức, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Từ đó thúc đẩy kinh tế hộ gia đình trong xã đi lên từng bước bền vững”.
Là điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Sa Thầy, tháng 8/2023, xã Ya Ly được Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum – ông Nguyễn Văn Hoà cùng đoàn công tác của Tỉnh Kon Tum tới thăm, đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền và người dân xã Ya Ly trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong thời gian qua.
Chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ người dân huyện Sa Thầy phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng vốn có của vùng. |
Trên địa bàn xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, hiện nay, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định từ diện tích cây cao su, cà phê, bời lời và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều tấm gương điển hình thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, như gia đình chị Y Rưới (làng O) vay vốn chăn nuôi bò sinh sản. Từ 30 triệu đồng vốn vay, chị mua 1 con bò cái sinh sản, đầu tư xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng; đến nay, bò đã sinh sản được 4 con, cùng với thu nhập từ rừng cao su, gia đình có cuộc sống ổn định, sung túc hơn.
Bên cạnh đó, hộ gia đình của chị Y Dưng (41 tuổi), ở làng Lung có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm; bà Y Thơm (54 tuổi), ở làng O có thu nhập hơn 180 triệu đồng/năm, nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê và cao su, tạo công ăn, việc làm cho những người trong làng để cùng nhau thoát nghèo.
Đến hết năm 2021, xã Ya Xiêr phát triển được hơn 2.400ha cây trồng, trong đó, diện tích cây lâu năm gần 950ha, tăng trên 100ha so với năm 2015. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 14.500 con, tăng hơn 5.600 con so với năm 2015. Xã có 1 chợ thương mại với hơn 20 gian hàng, gần 180 cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh hàng hóa vừa và nhỏ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 40% năm 2015 xuống còn gần 16% năm 2021.