Phát triển điểm đến du lịch, tạo sinh kế cho nông dân
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt sản xuất nông nghiệp. Mô hình trải nghiệm này chủ yếu diễn ra tại nông trại, trang trại hoặc thôn xóm, bản làng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Cụ thể, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu và cùng người dân địa phương lao động, sản xuất nông nghiệp như: trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản…
Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ phát triển điểm đến du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái, mà còn đem lại sinh kế cho nông dân.
Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm gồm: Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), Hợp tác xã rau Đường Lâm, Hợp tác xã dịch vụ du lịch Đồng Mô (thị xã Sơn Tây), Hợp tác xã trải nghiệm xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) và Hợp tác xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Thành phố công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây); công nhận hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)…
Mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội |
Có thể kể đến những điểm du lịch nông nghiệp tiêu biểu ở Hà Nội như:
Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín
Thường Tín là huyện ngoại thành của Hà Nội, cửa ngõ phía nam của Thủ đô, nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp. Thường tín đã cây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến mô hình du lịch nông nghiệp ở xã Hồng Vân. Khi đến xã Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc được trồng và sản xuất theo phương pháp hữu cơ như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; tìm hiểu mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa hay chụp ảnh check-in tại các vườn hoa, cây cảnh với dáng thế độc đáo… Vào dịp lễ Tết, Hồng Vân còn thu hút du khách với các hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội tình yêu, lễ hội hoa xuân, lễ hội bánh trôi bánh chay…
Dạo bước trên những con đường thơ mộng nằm ven bờ đê sông Hồng, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh sắc yên bình, tươi đẹp của những cánh đồng xanh mướt trải dài, xen lẫn với sắc rực rỡ của hàng trăm loại hoa khác nhau được trồng trong các nhà vườn và dọc các tuyến đường giao thông. Hơn 30 con đường trên địa bàn xã được trồng cây và mang những cái tên rất trữ tình như Hoa Ban, Hoàng Yến, Phượng Vĩ, Bằng Lăng, Hoa Giấy… khiến du khách không khỏi thích thú và hòa mình vào thiên đường của các loài hoa.
Mô hình du lịch sinh thái tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội |
Điểm nhấn trong tour du lịch sinh thái tại Hồng Vân là du khách có thể thưởng thức những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, được giao lưu với các nghệ nhân và thích thú trải nghiệm dịch vụ “Một giờ làm nghệ nhân cây cảnh” để tự tay cắt tỉa, chăm sóc và tạo dáng cho cây. Bên cạnh đó, du khách không nên bỏ lỡ những hoạt động trồng rau, câu cá, chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức các làn điệu dân ca truyền thống của các liền anh, liền chị để cảm nhận sự hồn hậu, mến khách của người dân địa phương giữa khung cảnh yên bình của làng quê Bắc Bộ.
Để phục vụ di chuyển, hiện nay Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã đưa vào vận hành 4 xe điện đưa đón du khách đến các địa điểm tham quan thuận tiện. Trong hành trình thăm quan, trải nghiệm du khách sẽ được thưởng thức và mua sắm các sản vật của địa phương như hoa, quả, các sản phẩm nông sản tinh chế, hàng tiểu thủ công mỹ nghệ…
Hiện nay, xã Hồng Vân có 3 sản phẩm trà đã dược công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao gồm: trà Chùm ngây, trà Trâu cổ, trà Kim ngân hoa. Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân cũng là 1 trong 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” đầu tiên của Thủ đô, hứa hẹn là điểm đến sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách.
Mô hình nho hạ đen Đan Phượng hút khách trải nghiệm
Huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình du lịch nông nghiệp khác nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp của huyện. Hiện tại mô hình trồng nho hạ đen tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) được nhiều hộ dân lựa chọn vì là cây trồng mới, hợp thổ nhưỡng, đem lại giá trị kinh tế cao. Không chỉ vậy, đây còn là mô hình du lịch trải nghiệm được nhiều người yêu thích.
Mô hình trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch trải nghiệp được nhiều hộ gia trên địa bàn huyện tham gia. Sau 3 năm trồng nho hạ đen, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các đơn vị chuyên ngành, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng tự tin về quy trình trồng, chăm sóc giống nho này. Không chỉ ở xã Đan Phượng, nhiều hộ dân ở các xã: Hạ Mỗ, Trung Châu, Phương Đình... cũng đã bén duyên và thành công với mô hình trồng nho hạ đen kết hợp tham quan, trải nghiệm...
Đến nay, chất lượng quả của các vườn nho tại huyện Đan Phượng, ngày càng được nâng cao, thơm ngon; khách tham quan hài lòng và giới thiệu bạn bè, người thân tới trải nghiệm.
Mô hình trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch trải nghiệm tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội |
Mô hình du lịch nông nghiệp ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn
Xã Phú Cường huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội là xã có lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, mô hình phát triển du lịch nông nghiệp của khu công viên nông nghiệp Long Việt là một điển hình như vậy. Công viên nông nghiệp Long Việt rộng 120.000 m2 là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình, trường học trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, cùng với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế, tạo nên hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ xưa. Du khách được tham gia, trải nghiệm các trò chơ dân gian như bịt mắt đập niêu, úp nơm đánh bắt cá, chèo thuyền thúng,… trải nghiệm làm nông dân, thực hiện các công việc trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua…
Sức hút của Khu Công viên Nông nghiệp Long Việt là nơi có bầu không khí trong lành lý tưởng, Khu du lịch sinh thái Long Việt hoàn toàn gần gũi với thiên nhiên, đất trời, cỏ cây, hoa lá. Chỉ cách TP. Hà Nội chưa đầy 25 km nhưng xa rời với thành thị ồn ào náo nhiệt, đây là điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, dã ngoại, giải trí và tổ chức sự kiện. Du khách ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, những con đường nhỏ e ấp uốn lượn được trải dài với hàng cây xanh mát, cỏ cây hoa lá, tiếng chim hót, tiếng gió reo đan xen vào nhau tạo nên một không gian thơ mộng bình yên. Các trò chơi mới lạ hấp dẫn ở Công viên như Cuộc đua kỳ thú, trò chơi liên hợp X-games, câu cá, chèo thuyền, xe đạp sinh thái, bắn súng sơn; bơi lội…
Du lịch trải nghiệm tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội được nhiều du khách sử dụng |
Nơi đây thường xuyên tổ chức tiệc cưới, liên hoan, tất niên, ẩm thực, buffet, tiệc nướng… Du khách có thể tự mình đi xe đạp, dạo quanh khu công viên và cảm nhận làn gió mát bầu không khí trong lành, ngắm cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của Công viên Nông nghiệp Long Việt. Hệ thống Nhà nghỉ thiết kế độc đáo, đầy đủ tiện nghi, sẽ mang đến cho du khách những giây phút nghỉ ngơi thư giãn tuyệt vời.
Mô hình du lịch nông nghiệp tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh
Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái tại địa phương. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho với quy mô gần 5 ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn. Mô hình này vừa tạo đà phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.
Nằm gần chân cầu Nhật Tân, mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại xã Vĩnh Ngọc thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm. Nói về mô hình này, ông Vũ Văn Lực - một trong những hộ trồng nho tại xã Vĩnh Ngọc cho biết, Vĩnh Ngọc là một trong những xã ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, thuận lợi về giao thương, du lịch. Do đó, phát huy lợi thế, tận dụng quỹ đất nông nghiệp, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm 5 thành viên, quy mô sản xuất gần 5ha, trong đó có hơn 3ha trồng những giống nho ngoại cho năng suất cao, quả không quá to nhưng ngọt, không hạt.
Mô hình trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch được nhiều hộ dân của xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tham gia |
Mô hình du lịch sinh thái tại huyện Ba Vì
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 53 km, huyện Ba Vì có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên với hệ thống núi, rừng, sông hồ, nguồn nước khoáng nóng Thuần Mỹ.
Bên cạnh đó, khu vực Ba Vì còn có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh khi tại đây có khoảng 300 di tích lịch sử, văn hóa như: Đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung và những ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như: Đình Tây Đằng, Thuỵ Phiêu, Thanh Lũng...
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Ba Vì là địa điểm được nhiều du khách tìm đến vào cuối tuần với những sản phẩm mới như: Du lịch chăm sóc sức khỏe; tắm thảo dược; nghỉ dưỡng tại Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort, Melia Resort; thăm vườn hoa hồng tại Paragon Resort; du lịch nông nghiệp; du lịch văn hóa - tâm linh tại các xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Ba Trại, Cổ Đô, Minh Quang...
Trải nghiệm thú vị tại các địa điểm du lịch khi gắn phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Ba Vì. Ảnh Hoàng Quân |
Hà Nội có lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với diện tích rộng, đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, đồng thời có vị trí kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thành sản phẩm đặc trưng mang bản sắc riêng của du lịch Thủ đô. Hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có những sản phẩm, nhưng thiếu những sản phẩm đặc sắc, đôi khi còn bị trùng lặp, hoạt động vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Tính liên kết ba bên giữa nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành còn yếu nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình du lịch nông nghiệp phát triển – Ông Nguyễn Văn Tài ( Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel ) chia sẻ.
Để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, Hà Nội cần khắc phục những tồn tại, chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, phát huy vẻ đẹp của cảnh quan, văn hóa vùng nông thôn, cần gắn với du lịch cộng đồng, gắn với làng nghề truyền thống kết nối với các điểm tham quan, di tích, danh thắng của từng địa phương, từng vùng.
Với vùng ngoại thành rộng lớn, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Sau khi Kế hoạch được ban hành, các sở, ngành, địa phương đã có các chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông nghiệp |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) của thành phố”. Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển.
Thành phố Hà Nội xác định rõ việc xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch vùng, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch. Bảo đảm tính liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch.