Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. |
Sáng 30/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Theo đó, có 54 lượt ý kiến phát biểu tại 19 Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nhìn chung, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài sản số
Một trong những điểm mới của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là nội dung liên quan đến tài sản số. Bởi đây là vấn đề mới cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn. Đóng góp ý kiến vào nội dung này, tại Hội trường, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dẫn chứng các báo cáo nghiên cứu thống kê đều cho thấy, Việt Nam đang vào hàng đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số với khoảng 20 triệu người có sở hữu tài sản số, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hoá được chuyển vào Việt Nam.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An |
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, nếu không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số. Do vậy, cần thiết quy định về tài sản số trong dự án Luật này. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài sản số tại Mục 3, Chương II của dự thảo luật, trong đó cần chú ý đến một số điểm:
Thứ nhất, cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau như phân loại tài sản số thành tiền mã hoá, tài sản số đại diện, tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số… Pháp luật các nước cũng đã có những quy định phân loại cụ thể để có những hình thức quản lý tài sản số phù hợp.
Thứ hai, dự án Luật còn thiếu các quy định làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài sản số để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là một nội dung rất quan trọng. Chẳng hạn pháp luật của Liên minh Châu Âu đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số như phải đăng ký hoạt động; phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm phát hành; các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số cũng phải được cấp phép hoạt động và phải duy trì bảo mật thông tin cũng như minh bạch trong giao dịch.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh |
Liên quan đến tài sản số, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất bổ sung thêm các quy định cụ thể về tài sản số như tài sản trí tuệ số, tiền mã hóa và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn. Điều này giúp minh họa phạm vi áp dụng và tránh gây hiểu nhầm.
Về tiêu chí xác định tài sản số được quy định tại Điều 15, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, hiện nay, tiêu chí minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình được nhắc đến, nhưng chưa nêu rõ ràng cơ chế đảm bảo. Do đó, cần bổ sung nội dung yêu cầu các giao dịch tài sản số phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ sửa đổi: "Các giao dịch tài sản số phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin minh bạch, dễ hiểu đối với người tiêu dùng, cũng như cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp." Các hệ thống liên quan đến tài sản số cần tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế, để tăng khả năng bảo vệ người sử dụng khỏi các rủi ro an ninh.
Đối với nguyên tắc quản lý tài sản số được quy định tại Điều 16, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần làm rõ các giai đoạn của vòng đời tài sản số (ví dụ như tạo lập, giao dịch, lưu trữ, hủy bỏ) và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Điều này giúp cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn.
Về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản số (Điều 17), đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung danh mục các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực. Ví dụ như Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý công nghệ, Bộ Tài chính quản lý thuế, Ngân hàng Nhà nước quản lý tài chính số. Từ đó, sửa đổi theo hướng: Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý liên quan đến công nghệ tài sản số; Bộ Tài chính quản lý các khía cạnh thuế và tài chính; Ngân hàng Nhà nước giám sát các hoạt động tài chính số. Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề xuất thêm quy định về việc các cơ quan Nhà nước liên quan phải báo cáo định kỳ về tình hình quản lý, rủi ro và các thách thức trong quản lý tài sản số. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Minh bạch, kiểm soát rủi ro khi phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Giải trình, làm rõ ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước Xã hội Chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác lập pháp, những vấn đề mới đang trong quá trình vận động thì luật quy định những nguyên tắc chung về quản lý và phát triển, đảm bảo quản lý phải theo kịp và kiến tạo phát triển. Sau đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt. Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại Phiên họp |
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghệ số để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành. Thực hiện chủ trương của Đảng về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần hình thành, phát triển phương thức sản xuất số, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân. Từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản xuất làm chủ công nghệ lõi, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế -xã hội.
Các ĐBQH cũng tham gia ý kiến thảo luận về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách phát triển công nghệ số, phân loại tài sản số, tiền số, dữ liệu số, nguồn nhân lực trong công nghệ số, khu công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Các ĐBQH cũng lưu ý về việc bảo vệ quyền riêng tư trong lĩnh vực số, trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển bền vững công nghệ số, ưu tiên phát triển công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng an toàn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số, trách nhiệm chuyển giao của đối với các doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực này, yêu cầu việc minh bạch, kiểm soát rủi ro khi phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
Các ĐBQH cũng đề nghị rà soát đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tham gia ý kiến vào các điều, khoản cụ thể trong dự án Luật. Đây là những ý kiến trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quy định.