Du lịch Thanh Hóa chào xuân năm mới 2023 với gần nửa triệu lượt khách |
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 tháng Giêng (tức ngày 20 đến 26/1), toàn tỉnh Thanh Hóa đón gần 430 nghìn lượt khách, tăng 47,6% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022...
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 7 ngày nghỉ lễ, Thanh Hóa là một trong những địa phương có mức tăng trưởng du lịch mạnh, với tổng thu du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 41,6% so với dịp Tết năm 2022.
Trong đó, khách tập trung đông tại một số khu, điểm như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) 47.600 lượt khách; Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) 15.000 lượt khách; Đền Bà Triệu (Hậu Lộc) 10.000 lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) 28.900 lượt khách; Phủ Na (Như Thanh) 33.700 lượt khách; Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn) 36.800 lượt khách; Cửa Đạt (Thường Xuân) 27.000 lượt khách; TP Thanh Hóa 38.200 lượt khách; TP Sầm Sơn 30.700 lượt khách…
Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới, hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với mục tiêu phấn đấu đón 12 triệu lượt khách.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, với mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 615.000 lượt, trong năm 2023, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa trong năm.
Với lợi thế về “điểm đến xanh," “tuyến du lịch xanh” an toàn, hấp dẫn, nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Thác Mây (huyện Thạch Thành), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước), Bến En (huyện Như Thanh), suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Hang (huyện Quan Hóa)... đang trở thành điểm thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước) |
Bên cạnh đó, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, với 102 km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang và hệ thống núi, rừng, sông, hồ, hang động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Đây cũng là địa phương có hệ thống di tích lịch sử-văn hóa dày đặc, với hơn 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng.
Trong đó phải kể đến như Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, Di tích Am Tiên… là những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Đáng chú ý, tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được 55 khu, điểm du lịch, trong đó có 45 quy hoạch đã được phê duyệt, 10 quy hoạch đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 55 quy hoạch các khu, điểm du lịch, trong đó có 45 quy hoạch đã được phê duyệt, 10 quy hoạch đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền. Công tác thu hút đầu tư hạ tầng du lịch được đẩy mạnh; toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 80 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng du lịch đang triển khai, tổng vốn đăng ký 145.500 tỷ đồng.
Với chiến lược đầu tư đồng bộ, tập trung nguồn lực hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh Thanh Hóa và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ, phụ thuộc vào du lịch biển vào mùa Hè.