Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đang ở thế “một cổ hai tròng”. |
Giá tiêu tăng cao nhưng doanh nghiệp kém vui
Khảo sát thị trường, giá tiêu hôm nay (1/3), tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được thu mua với mức 93.000 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 92.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 92.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 93.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 93.500 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giảm từ 500 - 1.500 đồng/kg tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Sau 3 ngày tăng liên tiếp trước đó, đạt 95.000 đồng/kg, lực bán mạnh tại đỉnh đẩy thị trường giảm. Đây là lần thứ 2 giá tiêu lên 95.000 đồng/kg. Lần đầu vào khoảng ngày 22 - 23/2/2024.
Tổng kết tháng 2/2024, dù các địa phương bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá tiêu nội địa vẫn tăng tới 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính vẫn là lo ngại thiếu hụt nguồn cung, nông dân năm nay giữ hàng kỹ hơn. Nhu cầu cao đáp ứng các đơn hàng đã ký ngay sau Tết đẩy thị trường tăng.
Vụ thu hoạch tiêu năm nay, nông dân trồng tiêu phấn khởi vì bán được với giá cao hơn so với vụ thu hoạch trước. Nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu, niềm vui chưa chắc đến với họ bởi những gánh nặng về chi phí khi giá bán ra chưa tăng tương xứng với giá nhập đầu vào.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), cho biết hiện tại giá tiêu nguyên liệu tăng cao làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
“Ngày xưa, 8 triệu là đã có thể mua được 2 tấn tiêu nhưng giờ chưa mua nổi được một tấn. Giá hiện tại đã cao gấp đôi so với trước đây. Điều này đòi hỏi nguồn vốn của doanh nghiệp xuất khẩu phải lớn, đồng nghĩa với việc phải vay ngân hàng nhiều hơn, kéo theo chi phí tài chính cũng tăng, ăn mòn lợi nhuận”, ông Huy cho biết.
Giá tăng do sản lượng sụt giảm cũng khiến cho có những trường hợp doanh nghiệp không gom được hàng. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết mặc dù doanh nghiệp đã đặt cọc nhưng bà con nông dân có thể không giao hàng. Khi đó, các công ty xuất khẩu gặp rủi ro không có hàng để giao cho nhà nhập khẩu.
“Các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng giao xa, chỉ tối đa 3 tháng. Nếu ký hợp đồng quá xa, giá cả thị trường biến động mạnh, doanh nghiệp không đủ sức gồng gánh”, bà Liên nói thêm.
Gánh nặng cước vận tải tăng sốc
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng Cục Hải quan. |
Do căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, từ tháng 12/2023, hàng loạt hãng vận tải biển lớn đã tạm dừng lịch trình qua Biển Đỏ, hàng trăm tàu lớn phải thay đổi đường đi, vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam Châu Phi, khiến thời gian đi biển kéo dài thêm 10 - 15 ngày, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển, tác động lên thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Theo ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, có nhiều hãng tàu hàng đã lên boong mà còn thu thêm "phụ phí chiến tranh". Cước đi New York, Mỹ từ 2.200 USD/cont 40 feet lên 5.000 USD và 7.100 USD/cont 40 feet. Phúc Sinh hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam.
Tính đến ngày 15/2, chỉ số cước container toàn cầu Drewery WCI ở mức 3.732 USD/FEU (container 40 feet), cao gấp 3 lần so với mức đáy 3 năm hồi tháng 11/2023 là 1.384 USD/FEU.
Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất khẩu tiêu nói riêng, thương mại của Việt Nam nói chung, đặc biệt là những chuyến hàng xuất nhập khẩu với châu Âu và Bắc Mỹ bởi đây là hai khu vực chiếm tới 1/3 giá trị thương mại cả nước.
Trước tình hình trên, từ cuối tháng 12/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản thông tin, khuyến cáo đến các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu một số giải pháp để hạn chế các tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.
Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), Phó TGĐ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, các doanh nghiệp đa dạng hoá phương thức vận chuyển. Chẳng hạn như các hàng giá trị cao thay vì đi qua đường biển thì có thể chọn đường hàng không. Ngoài ra, đẩy mạnh khai thác các thị trường châu Á bởi hiện tại cước vận chuyển tới khu vực này chỉ tăng nhẹ 10 - 15%.
Không chỉ các hãng tàu, các cảng cũng tăng phụ phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng; viết tắt của cụm từ Terminal Handling Charge) từ 10 - 20%.
“Nhiều đơn hàng bị lỗ. Sau COVID-19, tất cả mọi thứ đều bất bình thường. Các hàng tàu nói rằng nếu doanh nghiệp muốn xuất hàng thì phải chịu thêm phí. Chúng tôi vì muốn giữ chữ tín với khách hàng buộc phải trả thêm, không làm cách nào khác được. Trong thời gian này, doanh nghiệp tính toán sao không lỗ là may mắn rồi”, Tổng Giám đốc Simexco DakLak cho hay.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu 17.000 tấn tiêu, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với tháng 12, lượng xuất khẩu đã giảm 15%.
Để giảm thiểu rủi ro, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp có thể lựa chọn kết hợp hình thức vận chuyển đường biển và và đường hàng không để tối ưu thời gian. Cụ thể, hàng hoá sẽ vận chuyển đến Dubai sau đó chuyển sang Châu Âu, Mỹ bằng đường hàng không.