Người lao động Tổng Công ty Đức Giang làm việc với tinh thần quyết liệt, thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. |
Tại Tổng Công ty May 10 - Công ty cổ phần (CTCP), lễ khai xuân đã được tổ chức ngay trong ngày mùng 5 Tết Nguyên đán với mục tiêu phát triển sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường và đưa thời trang Việt “xuất ngoại”.
Có mặt đúng giờ ở vị trí sản xuất với khí thế hăng hái, phấn khởi, anh Hà Hữu Đại - nhân viên bộ phận Đồng phục, Trung tâm kinh doanh thương mại chia sẻ: Đón chào một mùa Xuân mới, tôi và hơn 12 ngàn cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tổng Công ty May 10 - CTCP đều chung quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức của năm 2024, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ do Hội đồng quản trị đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu cao nhất trong năm 2024, Tổng công ty May 10 tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý; tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh...
Còn tại Tổng Công ty Đức Giang (Dugarco), không khí làm việc cũng khẩn trương ngay từ những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dugarco cho biết, năm 2023, mặc dù sản lượng tăng 3% nhưng đơn giá lại rất thấp, dẫn tới hiệu quả không cao. Ban lãnh đạo Tổng Công ty cũng đã phải tính toán, cân nhắc và triển khai các biện pháp để cân bằng hiệu quả và lợi nhuận; tiếp tục duy trì trong năm 2024 với tinh thần quyết liệt và mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Sáng mùng 6 tết, gần 5.000 lao động của Công ty CP Dệt may Huế đã quay trở lại với công việc với khí thế lao động hăng say cùng kỳ vọng về một năm mới nhiều thắng lợi.
“Hiện, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng sản xuất đến tháng hết quý I/2024 và tỷ lệ đơn hàng FOB chiếm hơn 50%. Công ty đã tập trung nguồn để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm mới Giáp Thìn này”, ông Nguyễn Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế chia sẻ.
“Cũng trong năm mới này, công ty tiếp tục đầu tư thêm nhà máy may để tạo thêm việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế Thừa Thiên Huế phát triển trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Phong thông tin thêm.
Hiện, Công ty CP Dệt may Huế đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết quý I/2024 và tỷ lệ đơn hàng FOB chiếm hơn 50%. Ảnh Hàn Đăng |
Ngay từ đầu năm mới, không khí làm việc của cán bộ, công nhân Xí nghiệp may Hưng Hà (Tổng công ty May 10) luôn hối hả. Gần 1.100 công nhân tại các chuyền may veston, quần thời trang, áo jacket và váy đều làm việc với tinh thần tập trung cao độ, phấn đấu đạt và vượt năng suất Xí nghiệp giao. Anh Phạm Văn Hưng, công nhân may chia sẻ: Trong bối cảnh khó khăn, công nhân may ở không ít nơi thiếu việc làm hoặc phải nghỉ việc, Xí nghiệp may Hưng Hà vẫn duy trì đủ việc làm cho công nhân. Chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc và ai cũng suy nghĩ phải quyết tâm sản xuất hoàn thành tốt kế hoạch sản lượng doanh nghiệp giao với chất lượng cao nhất. Chúng tôi cũng hy vọng đầu năm công việc thuận lợi thì cả năm công nhân có điều kiện làm thêm giờ, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.
Những ngày này, tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ), gần 17.000 người lao động ở 9 nhà máy cũng đang ra sức thi đua “sản phẩm chất, năng suất cao”. Mọi công nhân đều phấn khởi vì được làm thêm giờ nhờ đơn hàng nhiều. Chị Đỗ Thị Thúy Hằng, công nhân nhà máy Tân Đệ 6 chia sẻ: Không khí làm việc hăng say, sôi nổi tại nhà máy những ngày đầu năm mới khiến tôi rất vui. Bản thân tôi quyết tâm may đạt năng suất cao nhất có thể để tăng thu nhập góp phần lo cho cuộc sống gia đình nhất là khi tết đã cận kề. Tôi cũng hy vọng năm 2024 Công ty sẽ có đơn hàng dồi dào tạo cơ hội cho công nhân có thêm việc làm và mức lương cao hơn năm 2023. Còn chị Trương Thị Nhung, công nhân nhà máy Tân Đệ 6 cho biết: Năm qua, đơn hàng sản xuất ít nhưng ngay từ đầu năm nay chúng tôi cảm nhận cải thiện tích cực vì Công ty đã tổ chức cho công nhân làm thêm giờ, ai cũng phấn khởi bởi sẽ có thêm khoản thu nhập từ làm tăng ca. Chúng tôi hào hứng làm việc vì Công ty còn tổ chức thưởng và tặng quà tết đủ đầy hơn năm ngoái, ai cũng hy vọng cả năm 2024 sẽ thuận lợi và may mắn.
Nhận định về tình hình ngành dệt may Việt Nam năm 2024, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nhấn mạnh, năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam, do đó doanh nghiệp dệt may không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn.
Để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước bằng các chính sách kịp thời.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, thời gian tới, ngành dệt may thời gian tới cần cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá...; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...).
Ngành dệt may nỗ lực vượt khó |
7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên |
Xuất khẩu hàng dệt may đạt nhiều khởi sắc |