Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.
Nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% và giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, giảm 50,4% và giảm 64,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 88 tỷ đồng, giảm 93,2% và giảm 97,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, giảm 47,2% và giảm 53,3%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.224,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã ban hành Công văn số 700/TTBVTV-TT, đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng những tháng cuối năm 2020.
Theo Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số diện tích rau, hoa đã đến thời điểm thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 160 doanh nghiệp và trên 1.500 cửa hàng có buôn bán phân bón đăng ký hoạt động.
Theo số liệu tập hợp cho thấy, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm doanh thu, sản lượng tiêu thụ phân bón so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch Covid-19. Kết quả báo cáo từ 21 doanh nghiệp cho thấy có 5 doanh nghiệp giảm doanh thu và sản lượng tiêu thụ đến 30%; 7 doanh nghiệp có mức giảm đến 50%; 3 doanh nghiệp có mức giảm trên 50% và cá biệt có doanh nghiệp có mức giảm đến 93%.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng những tháng cuối năm 2020.
Các doanh nghiệp có sản lượng buôn bán phân bón và doanh thu giảm thì những khó khăn trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là do: Giao thông, vận chuyển hàng hóa ngưng trệ, nguồn nhập nguyên liệu khó khăn, giá đầu vào nguyên liệu tăng; đại lý tiêu thụ chậm; việc đưa phân bón tiếp cận được với bà con nông dân bị hạn chế; lượng hàng tồn lớn, lãi suất ngân hàng cao, trong khi đó, thu hồi công nợ khó khăn...
Để chủ động tham mưu chỉ đạo sản xuất nhằm đảm bảo và gia tăng nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã đề xuất các sở, ngành tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các siêu thị trên địa bàn thành phố tăng cường ký hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã sản xuất rau, quả, chè an toàn; có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có điều kiện ổn định nguồn hàng cung cấp cho sản xuất: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các cơ sở trong thời gian 9 tháng (từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020).
Cùng với đó, tham mưu UBND thành phố kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ NN&PTNT và các ngành liên quan trong hỗ trợ đơn giản hóa thực hiện thủ tục hành chính đối với nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất…
Hạ Vy