Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những hiệp định song phương, đa phương đã và đang góp phần mang nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam tham gia các thị trường lớn, đặc biệt là lĩnh vực nông sản.
Bên cạnh những ưu thế về tài nguyên và đa dạng trong sản xuất, chế biến, nông sản Việt Nam có những hạn chế như quy mô sản xuất, chất lượng và số lượng là những nguyên nhân thường thấy khiến nông sản khó chinh phục các thị trường lớn.
Tuy nhiên, logistics là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản.Vấn đề này đã được bàn tính nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp tối ưu. Theo đánh giá logistics Việt Nam vẫn đi chậm hơn các nước khác.
Hiện chi phí logistics cho nông sản Việt Nam quá cao, lên tới 25% tổng giá trị hàng hóa ở một số mặt hàng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại các thị trường tiềm năng.
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến về chủ đề: giải pháp cắt giảm chi phí logistics nhằm tối ưu chuỗi giá trị nông sản Việt, theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký VLA, các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm: Chi phí vận chuyển cao; phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận chuyển nước ngoài áp vào chủ hàng; hạn chế về cảng và cơ sở hạ tầng, các tỉnh thành đưa ra các phí hạ tầng mới; chi phí kiểm tra chuyên ngành.
Theo khảo sát của VLA, chi phí logistics của sản phẩm hải sản thấp nhất cũng chiếm 12,1% giá thành sản xuất; rau quả chiếm tới 29,5%; sản phẩm gạo hiện có chi phí logistics cao nhất với 29,8% giá thành sản xuất.
Tổng thư ký VLA cho rằng nông sản đang phải gánh chi phí logistics ở mức cao nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước khác. Đơn cử như trong vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu các loại nông sản như rau củ quả thì chi phí logistics thường chiếm tới 20,9% (trong đó, 61% liên quan đến vận tải, 20% liên quan đến xếp dỡ, 14% lưu trữ, 5% bao bì)
Cần thiết phải hình thành các trung tâm logistics hiện đại để gỡ điểm nghẽn chi phí logistics
Theo ông Nguyễn Duy Minh để tháo gỡ điểm nghẽn chi phí logistics trong tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thì cần thiết phải hình thành các trung tâm logistics hiện đại. Hiện nay, Chính phủ đã nhìn rõ vai trò của ngành dịch vụ logistics nên về thể chế đã có nhiều quyết định cũng như kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến phát triển ngành này.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, việc đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, phục vụ cho cả một vùng giúp hàng hóa nông sản đảm bảo yếu tố lưu trữ, thời gian bảo quản dài, từ đó phân phối về các siêu thị, cửa hàng là hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, vai trò vận chuyển của đường sông, đường biển giá thành rẻ nhưng lại phụ thuộc vào bến bãi và phương tiện bốc xếp. Do đó, cần nhìn nhận vai trò của hình thức vận chuyển này từ đó có sự đầu tư phù hợp.
Chính vì vậy, để tháo vấn đề logistics các doanh nghiệp nông sản có sự thay đổi nhận thức trong sử dụng dịch vụ logistics, tăng cường dịch vụ thuê ngoài hay thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế nếu có làm xuất nhập khẩu.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, hình thành các trung tâm vận chuyển logistics hiện đại.
Minh Kiệt