Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.
Việc đẩy mạnh kết nối sẽ giúp cho các doanh nghiệp phân phối tiếp cận gần hơn với các hộ sản xuất nông sản an toàn, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm mà ngành đang triển khai. Khâu yếu nhất hiện nay là việc kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tiêu thụ nông sản an toàn.
“Việc kết nối sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo thêm nhiều cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận nông sản an toàn, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Đây cũng là trọng tâm mà ngành nông nghiệp đang hướng tới trong năm cao điểm 2016 về đảm bảo an toàn thực phẩm. Vấn đề ở đây là cần có các giải pháp mạnh hơn nữa trong việc tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn có xác nhận của cơ quan quản lý và kết nối đến người tiêu dùng” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Hình thành chuỗi thực phẩm an toàn là xu hướng mới
Dẫn chứng địa phương cụ thể, tại Kon Tum, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh cho biết, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP năm 2020.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP được thực hiện kịp thời, đúng quy định; công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức về ATTP; người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với các hộ sản xuất rau, củ đã thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
Đáng chú ý, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Điển hình, huyện Ngọc Hồi tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện với tổng diện tích 3ha và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP; huyện Sa Thầy chỉ đạo quy hoạch 3,9ha vùng sản xuất rau quả an toàn tại xã Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy. Đến nay có 27 hộ của huyện cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất rau an toàn cho người dùng.
Hay tại huyện Đắk Hà xây dựng 1 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 500ha; thực hiện tái canh 645ha cà phê; quy hoạch vùng và thu hút đầu tư xây dựng 1 khu sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5ha tại xã Đắk Mar và 50ha tại thị trấn Đắk Hà; tiếp tục duy trì và phát triển mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa thơm với quy mô 35ha.
Chuỗi thực phẩm an toàn giúp nhà sản xuất và phân phối thuận lợi phối hợp
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại huyện Đắk Hà đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đối với sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan; mỗi xã, thị trấn có ít nhất 3 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp nhằm liên kết phát triển nông nghiệp sạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản cũng như hình thành các chuỗi giá trị sản xuất điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung, Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Pô Kô…
Tuy nhiên, trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn có những khó khăn, hạn chế như: Các cơ sở giết mổ động vật có quy mô nhỏ, lẻ, rải rác trong khu dân cư; các cơ sở kinh doanh thịt và sản phẩm động vật chưa được quy hoạch, bố trí phù hợp. Một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không thực hiện đăng ký kinh doanh giết mổ nên rất khó khăn công tác kiểm soát, xử lý.
Việc quản lý, bố trí sắp xếp kinh doanh các quầy hàng tại các chợ (huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn) chưa hợp lý; sự kết nối giữa cơ sở sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả an toàn và cơ sở kinh doanh, tiêu thụ còn hạn chế; chưa có giải pháp bền vững cho các huyện vùng sâu, vùng xa trong việc cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng (vẫn còn tình trạng kinh doanh theo hình thức lưu động).
Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của tỉnh trong công tác bảo đảm ATTP là kiểm tra ATTP trong dịp Tết Trung thu, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP, nhất là công tác bảo đảm ATTP để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hộ giết mổ không chấp hành, nghiêm cấm việc kinh doanh của các hộ này khi không được cơ quan thú ý kiểm dịch trước khi tiêu thụ. Có biện pháp quyết liệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung đối với các huyện đã có cơ sở giết mổ tập trung.
Đồng thời, tiếp tục duy trì mô hình điểm các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn trên địa bàn các huyện, thành phố, nhất là khi xây dựng mô hình rau an toàn mới cần có kế hoạch phân bố hợp lý trong việc sản xuất về chủng loại và số lượng cho phù hợp với yêu cầu của nơi tiêu thụ (siêu thị, bếp ăn tập thể, các quầy kinh doanh thực phẩm…); tiếp tục triển khai thực hiện công tác kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm địa phương; phối hợp các tỉnh để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản.
Linh Anh