Ghi nhận của phóng viên, trong ngày 21/7, toàn bộ hệ thống phòng chống bão được kích hoạt theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, sẵn sàng phương tiện, lực lượng và giải pháp tác chiến theo phương án đã chuẩn bị từ trước.
![]() |
Toàn bộ hệ thống phòng chống bão được kích hoạt theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, sẵn sàng phương tiện, lực lượng và giải pháp tác chiến theo phương án đã chuẩn bị từ trước. |
“Không để dân đói, dân khát, dân bị nạn mà không có bộ đội giúp” – Mệnh lệnh từ trái tim người lính quân hàm xanh
Đồn Biên phòng Đa Lộc đã thành lập 4 tổ công tác (19 cán bộ, chiến sĩ) túc trực tại các địa bàn, phối hợp với chính quyền 4 xã ven biển kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đặc biệt, tại các khu vực trọng điểm, xung yếu như vùng ven biển, ven sông, nhà cấp 4 xuống cấp… các tổ đã trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương tiện di dời dân khi có lệnh.
![]() |
Cán bộ chiến sĩ, giúp nhà dân di chuyển đồ đạc vào nơi an toàn. |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm, đồng chí Lê Đăng Khoa – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đa Lộc – khẳng định: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm và mệnh lệnh từ trái tim người lính Biên phòng. Bằng mọi giá, chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho nhân dân và tài sản trong khu vực. Dù thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi vẫn duy trì quân số thường trực 24/24, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống bất thường.”
![]() |
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đa Lộc trực tiếp xuống địa bàn, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm và mệnh lệnh từ trái tim người lính Biên phòng. |
Đồn Biên phòng Đa Lộc cùng Trạm KSBP Lạch Sung đã trực tiếp liên hệ, tiếp cận 100% số tàu thuyền hoạt động trên khu vực đơn vị quản lý. Nhờ sự quyết liệt và kiên trì, đến sáng 21/7, 195 phương tiện đã vào neo đậu an toàn tại các khu vực: Cảng cá Hòa Lộc, vùng bãi ngang xã Ngư Lộc (cũ), khu vực nuôi ngao huyện Hậu Lộc (cũ), và cửa Lạch Sung.
Đồng chí Nguyễn Thành Luân – Trạm trưởng KSBP Lạch Sung – chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong công tác kêu gọi tàu vào trú bão là một số ngư dân còn chủ quan, chưa nhận thức hết sự nguy hiểm của bão số 3. Một vài chủ tàu vẫn có tâm lý chần chừ, chờ sát giờ mới muốn di chuyển. Nhưng bằng sự vận động kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ công tác, đến thời điểm này, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn.”
![]() |
Cán bộ chiên sĩ tuần tra 24/24 kêu goi tất cả tàu thuyền vào bờ an toàn. |
Bên cạnh đó, các cán bộ chiến sĩ còn tích cực tuyên truyền ngư dân thực hiện nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo an ninh trật tự trong khu neo đậu; tổ chức chằng néo, cố định tàu cá, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản khi bão đổ bộ.
Trong mưa to, gió lớn, khi trời tối sầm và sóng gió dâng cao, từng tổ công tác vẫn kiên cường bám địa bàn, bám dân như máu thịt. Lực lượng Biên phòng xác định rõ: “Không để dân đói, dân khát, dân bị nạn mà không có bộ đội giúp.” Đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là giá trị cốt lõi, là “thương hiệu” đã tạo nên uy tín, niềm tin của nhân dân ven biển với người lính quân hàm xanh.
![]() |
Các cán bộ chiến sĩ còn tích cực tuyên truyền ngư dân thực hiện nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo an ninh trật tự trong khu neo đậu; tổ chức chằng néo, cố định tàu cá, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản khi bão đổ bộ. |
Sẵn sàng lực lượng – Đảm bảo an toàn tuyến biên phòng biển, gian khổ nơi đầu sóng – Trọn vẹn tinh thần “vì dân quên mình”
Song song với nhiệm vụ phòng chống bão, các tổ tuần tra biên giới, tuần tra bờ biển cũng được tăng cường, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực tránh trú bão, đặc biệt là khu neo đậu tập trung và các vùng nuôi trồng thủy sản.
Lực lượng Đồn Biên phòng Đa Lộc cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng cơ động nhanh khi có tình huống xảy ra. Sự vào cuộc chủ động, bài bản và nhân văn này là minh chứng sinh động cho việc kết hợp hiệu quả giữa nhiệm vụ quốc phòng – an ninh với nhiệm vụ dân sinh, vì dân, vì biển.
Trong cơn mưa tầm tã, gió giật liên hồi, trời đất như sụp tối giữa ban ngày… những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đa Lộc vẫn lội nước, trèo sóng, đến từng khu dân cư, từng bến thuyền, từng căn nhà cấp 4 xiêu vẹo… để vận động, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi an toàn.
![]() |
Tình quân dân, ý chí người lính Biên phòng càng được hun đúc, lan tỏa, tạo nên “thương hiệu Đa Lộc” – nơi không chỉ giữ đất, giữ biển, mà giữ cả niềm tin và sự sống của nhân dân giữa giông bão. |
Không điện, không sóng điện thoại, thiếu thông tin liên lạc, nhiều khu vực vùng bãi ngang, vùng triều lầy lội bị cô lập tạm thời khiến việc tiếp cận người dân càng thêm gian nan. Có những chiến sĩ bị ngấm lạnh nhiều giờ liền, giày dép sũng nước, lưng đeo phao – vẫn không ngơi nghỉ.
Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đa Lộc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đồn trưởng Lê Đăng Khoa, đã trực tiếp xuống địa bàn, đến từng cụm dân cư ven biển, vùng hạ lưu sông Lạch Sung – nơi nước lũ có thể tràn vào bất cứ lúc nào – để kiểm tra, chỉ đạo, động viên cán bộ chiến sĩ và hỗ trợ nhân dân.
![]() |
Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đa Lộc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đồn trưởng Lê Đăng Khoa, đã trực tiếp xuống địa bàn, đến từng cụm dân cư ven biển, vùng hạ lưu sông Lạch Sung – nơi nước lũ có thể tràn vào bất cứ lúc nào – để kiểm tra, chỉ đạo, động viên cán bộ chiến sĩ và hỗ trợ nhân dân. |
“Khó khăn nhất là lúc nửa đêm, khi gió rít, sóng lớn, có người dân gọi điện báo có thuyền còn trôi dạt ở cửa sông, là anh em lại lập tức lên đường – dù biết đó là nguy hiểm cận kề…”, một cán bộ chia sẻ.
Không chỉ tổ chức các tổ công tác túc trực 24/24, nhiều đồng chí trong Ban Chỉ huy đã không rời đơn vị suốt nhiều ngày, ăn tranh thủ, ngủ tạm trên bàn làm việc hoặc trong lán trại dã chiến dựng tạm cạnh khu neo đậu tàu thuyền.
![]() |
Số lượng tàu, thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. |
Cũng chính trong những thời khắc ấy, tình quân dân, ý chí người lính Biên phòng càng được hun đúc, lan tỏa, tạo nên “thương hiệu Đa Lộc” – nơi không chỉ giữ đất, giữ biển, mà giữ cả niềm tin và sự sống của nhân dân giữa giông bão.
Câu chuyện ứng phó với bão số 3 Wipha tại tuyến biển Đa Lộc – Lạch Sung không chỉ là một chiến dịch phòng chống thiên tai, mà còn là bản sắc, là uy tín của lực lượng Biên phòng Thanh Hóa – nơi xây dựng niềm tin bằng hành động thiết thực, gắn bó sâu sắc giữa quân với dân, giữa tuyến biên phòng với tuyến đầu Tổ quốc.