![]() |
Theo Bộ trưởng Y tế, hàng giả trong lĩnh vực y tế, thuốc, thực phẩm chức năng không chỉ vi phạm đơn thuần về thương mại mà là tội ác. Ảnh minh hoạ: CAND |
“Công nghệ hợp pháp hóa” hàng giả
Hàng giả trong lĩnh vực y tế không còn dừng ở những viên thuốc nhái vỏ, mạo danh thương hiệu như một thời. Giờ đây, đó là một quy trình được "kịch bản hóa" đầy tính toán: Một công ty được thành lập hợp pháp, đăng ký công bố sản phẩm đúng quy trình, nhận được hồ sơ cấp phép, rồi sau đó lặng lẽ sản xuất một thứ hoàn toàn khác.
Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, mọi thứ trên giấy tờ đều hợp pháp, nhưng thực tế sản xuất là giả tạo, đánh tráo chất lượng. Đối tượng có thể nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc, cắt giảm thành phần hoạt chất, thậm chí đưa vào các chất gây hại nhưng sản phẩm vẫn vượt qua vòng “hậu kiểm” vì hồ sơ giấy tờ đã được làm sạch từ trước.
Một số đối tượng còn lợi dụng chính những kẽ hở trong quản lý nhà nước như cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm, quy trình kiểm tra thiếu thực địa, hay sự dễ dãi trong việc cấp phép dây chuyền sản xuất để hợp pháp hóa hàng giả trong lớp áo doanh nghiệp chân chính.
Vụ việc gần đây liên quan đến những cá nhân từng là cán bộ quản lý ngành y tế bị khởi tố vì tiếp tay cho doanh nghiệp "sản xuất sạch trên giấy" nhưng "lừa đảo trên thực tế" cho thấy: Tội ác hàng giả không chỉ nằm ở nhà máy ngầm, mà có thể được thiết kế ngay trong các văn bản hành chính.
Mới đây tại Hội thảo “Thuốc giả – Hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn” do Báo Tiền Phong phối hợp với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh và Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thẳng thắn chỉ rõ những hiểm họa khôn lường từ thuốc giả – vấn nạn đang diễn biến phức tạp, tinh vi và khó kiểm soát.
Theo Thứ trưởng, thuốc giả không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn có thể khiến bệnh nhân chuyển biến nặng, thậm chí tử vong. Sự tồn tại của các loại thuốc không rõ nguồn gốc còn kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí y tế cho người bệnh và gây tổn thất lớn cho xã hội. Đáng lo ngại hơn, việc sử dụng thuốc giả khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống y tế chính thống, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý điều trị và tuân thủ y lệnh.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thẳng thắn chỉ rõ những hiểm họa khôn lường từ thuốc giả. |
Sự độc ác của hàng giả y tế nằm ở chỗ không chỉ lấy đi tiền bạc, mà còn cướp đoạt sức khỏe, hy vọng và cơ hội sống của con người.
Một loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường, ung thư, xương khớp… có thể khiến người bệnh từ chối điều trị y tế chính thống để tin vào một “phương thuốc thần kỳ”. Khi sự thật được phát hiện, có thể đã quá muộn. Không ít trường hợp tử vong, suy thận, rối loạn chuyển hóa… xảy ra vì người dùng đặt niềm tin vào hàng giả được gắn nhãn “có nguồn gốc, có phép”.
Điều đáng nói là các sản phẩm này không chỉ trôi nổi chợ đen, mà có mặt đường hoàng trên sàn thương mại điện tử, nhà thuốc, thậm chí phòng khám. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống phân phối và kiểm soát chất lượng hiện nay có đang vô tình trở thành “cửa ngõ hợp pháp” cho hàng giả len lỏi?
Đến lúc phải siết chặt quản lý và chế tài xử phạt
Những phân tích tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế diễn ra mới đây cho thấy, các cơ quan chức năng dù nỗ lực nhưng còn “độ trễ” trong cuộc chiến chống hàng giả y tế. Hậu kiểm chỉ được tiến hành khi có phản ánh, còn quy trình kiểm nghiệm vẫn còn thủ công, mất thời gian, chưa đáp ứng tốc độ phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời.
Nhiều sản phẩm không đủ điều kiện chất lượng chỉ bị xử phạt hành chính, nộp phạt rồi… lại bán tiếp. Trong khi đó, hậu quả mà người dân phải gánh chịu là không thể đảo ngược.
![]() |
Cần siết chặt quản lý hàng giả trong lĩnh vực y tế. |
Sự trừng phạt đối với tội phạm hàng giả y tế cần được nhìn nhận không đơn thuần là vi phạm thương mại, mà là hành vi xâm phạm đến an ninh y tế, đe dọa tính mạng công dân, cần bị xử lý hình sự nghiêm khắc như một tội ác. Đằng sau mỗi sản phẩm giả được lưu hành thành công là một chuỗi mắt xích gồm: Người sản xuất vô đạo đức – người quản lý buông lỏng – người phân phối hám lợi – và người tiêu dùng thiếu cảnh giác.
Chỉ khi nào xã hội đồng lòng nhận diện: Hàng giả y tế là tội ác, không thể nhân nhượng, không thể thỏa hiệp, thì mới mong có một hàng rào bảo vệ thực sự cho cộng đồng.
Muốn chặn đứng tội ác này, cần một “cuộc đại phẫu” từ cơ chế pháp luật đến ý thức xã hội. Pháp luật cần mạnh tay hơn, quản lý phải chủ động hơn, doanh nghiệp chân chính phải bảo vệ thị trường lành mạnh hơn, và người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn. Một xã hội lành mạnh không chỉ cần thuốc tốt mà còn cần một hệ sinh thái y tế “sạch”, nơi lợi nhuận không được phép đứng trên lương tri.
![]() |
![]() |
![]() |