Cần đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam
Thực hiện việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam, đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269.163 héc-ta trên địa bàn 24 tỉnh, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10.000 héc-ta. Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là gần 43 nghìn héc-ta.
Năm 2019, cả nước đã trồng được gần 240 nghìn héc-ta rừng, vượt 12,6% kế hoạch năm. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 11 nghìn héc-ta; rừng sản xuất 227 nghìn héc-ta. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp và các địa phương đã tích cực trồng cây phân tán, chăm sóc hiệu quả rừng trồng và tập trung khoán bảo vệ rừng. Đáng chú ý, năm 2019, công tác khoán bảo vệ rừng cả nước đã đạt hơn sáu triệu héc-ta.
Trong năm nay, để phấn đấu cả nước trồng rừng đạt 220 nghìn héc-ta, ngành lâm nghiệp đang sát sao chỉ đạo các địa phương tích cực trồng rừng tập trung theo quy hoạch và chứng chỉ rừng quốc gia, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn ven biển, phát triển diện tích rừng sản xuất có sẵn để bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, theo quy định phục vụ ngành chế biến, sản xuất gỗ và lâm sản tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đạt giá trị cao.
Phối hợp PEFC để lựa chọn đơn vị đánh giá Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, Chứng chỉ rừng quốc gia. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp phối hợp Tập đoàn Cao-su Việt Nam để thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho ba công ty cao-su với tổng diện tích là 52.600 ha, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng là 11.800 ha theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Chánh Văn phòng Chứng chỉ rừng quốc gia cho rằng, chứng chỉ rừng của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá, thì việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam vẫn còn chậm. Tính đến nay, trên cả nước mới có gần 270 nghìn ha rừng, trên địa bàn 24 tỉnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Nguyên nhân cấp chứng chỉ rừng chậm, chủ yếu là do các vướng mắc điều kiện về đất đai liên quan đến quyền sử dụng rừng và đất rừng, nguồn kinh phí cho các hoạt động cấp và duy trì chứng chỉ rừng lớn, nhất là đối với diện tích rừng nhỏ, manh mún.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đề ra đến năm 2020, cả nước có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất được đánh giá và cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững, tương đương với khoảng 2,4 triệu ha, gồm cả rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng. Như vậy, đến nay, việc đạt được mục tiêu đó vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Nguyên nhân cấp chứng chỉ rừng chậm, chủ yếu là do các vướng mắc điều kiện về đất đai liên quan đến quyền sử dụng rừng và đất rừng, nguồn kinh phí cho các hoạt động cấp và duy trì chứng chỉ rừng lớn, nhất là đối với diện tích rừng nhỏ, manh mún. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của các ngân hàng gần như không thực hiện được...
Minh Kiệt