Sức khỏe đường ruột đóng một vai trò to lớn đối với các chức năng thiết yếu của cơ thể bạn. Thức ăn đưa vào cơ thể được hệ thống tiêu hóa chuyển hóa và hấp thu để tạo nên các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Đây là lý do tại sao chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe đường ruột.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đường ruột khỏe mạnh đóng góp tới hơn 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể. Khi đường ruột khỏe mạnh, không bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón... sẽ đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch trong cơ thể.
Để giúp bạn chăm sóc đường ruột một cách tối ưu, có một số loại thực phẩm không tốt đối với sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật đường ruột bạn cần tránh tiêu thụ. Nhiều loại thực phẩm và đồ uống trong danh sách này có thể sử dụng ở mức độ vừa phải, vì vậy bạn không cần phải kiêng hoàn toàn. Tuy nhiên, khi những thực phẩm này được tiêu thụ quá mức, chúng có thể làm thay đổi tiêu cực đối với sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột.
Đồ ăn muối chua
Đồ ăn muối chua là thực phẩm đầu tiên không tốt cho sức khỏe đường ruột của bạn. Thực phẩm này có hàm lượng muối cao. Hàm lượng muối cao trong đồ muối chua không chỉ làm tổn thương niêm mạc dạ dày mà còn gây hại cho bệnh nhân cao huyết áp và bệnh tim mạch.
Vì vậy, để hạn chế những ảnh hưởng không tốt dành cho sức khỏe, bạn nên hạn chế ăn loại thực phẩm này.
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Mặc dù là nguồn cung cấp protein dồi dào, nhưng các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích được biết là có khả năng gây ra các vấn đề cho sức khỏe đường ruột do hàm lượng chất béo bão hòa tương đối nhiều.
Một đánh giá từ tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã tìm thấy mối liên hệ giữa tổng lượng chất béo ăn vào (cụ thể là chất béo bão hòa) và việc giảm số lượng, sự phong phú và đa dạng của vi khuẩn có lợi trong ruột, tất cả đều là dấu hiệu của sức khỏe đường ruột kém.
Cũng cần lưu ý rằng, thịt chế biến sẵn có hàm lượng natri cao cũng có liên quan đến sức khỏe đường ruột kém hơn.
Thức ăn nhanh
Cuộc sống ngày càng bận rộn, những món ăn nhanh được ưa chuộng hơn cả do tiết kiệm được thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, loại thức ăn này lại không tốt cho hệ tiêu hóa, bởi thức ăn nhanh thường là những loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, ít chất xơ. Ăn nhiều đồ ăn nhanh sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa, gây mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột, dễ gây ra ung thư đại trực tràng.
Uống rượu bia không tốt cho đường ruột
Đồ uống có cồn được chứng minh là làm gián đoạn quá trình tiêu hóa bình thường và những người nghiện rượu vừa phải đến nặng thực sự có ít vi khuẩn lành mạnh hơn trong hệ tiêu hóa của họ. Trên thực tế, việc sử dụng rượu kéo dài và với lượng nhiều có thể làm thay đổi sự đa dạng của ruột, tăng tính thấm và tăng viêm.
BS. Phan Thị Hồng Diệu thông tin: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống quá nhiều rượu có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng phòng chống nhiễm trùng của cơ thể, gây tổn thương các cơ quan, tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Cũng theo BS. Hồng Diệu, một trong những tác động của rượu là ảnh hưởng đến cấu trúc và tính toàn vẹn của đường tiêu hóa. Rượu làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, làm hỏng các tế bào biểu mô, tế bào T và bạch cầu trung tính trong hệ thống đường tiêu hóa.
Thực phẩm chứa nhiều đường
Một số vi khuẩn có hại trong ruột của bạn rất thích đường. Chế độ ăn nhiều đường có thể khiến vi khuẩn có hại sinh sôi nảy nở, làm giảm vi khuẩn có lợi trong hệ thống tiêu hóa, từ đó gây nên mất cân bằng vi khuẩn.
Thực phẩm chứa nhiều đường không chỉ gây hại cho hệ thống tiêu hóa, mà còn dễ gây ra tình trạng béo phì, và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường. Bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều đường, tránh gây hại cho cơ thể.
Thức ăn quá mặn
Ngày càng có nhiều nghiên cứu được công bố về tác động tiêu cực mà chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều muối gây ra đối với sức khỏe. Chế độ ăn nhiều muối làm trầm trọng thêm các phản ứng tiền viêm, có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, bệnh đa xơ cứng và bệnh Crohn.
Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu, các bằng chứng ngày càng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng không tốt đến chức năng của hệ miễn dịch.